Nhật ký sông Mêkông (phần 6): Đoạn chảy qua Lào
2010.04.05
Vấn đề là làm thế nào để có được sự quân bằng giữa các kế hoạch phát triển do chính phủ đưa ra và đời sống của hàng triệu người dân phụ thuộc vào Dòng sông.
Đe dọa nguồn sống
Cô Premudee Daoroung, thuộc Tổ chức Terra cho biết:
Chúng tôi hiểu rằng Ủy hội Sông Mêkông luôn tuyên bố họa là một tổ chức liên chính phủ. Ngay từ khi mới thành lập, ủy hội đã không xuất phát từ những người dân địa phương sử dụng nguồn nước Dòng Sông. Theo tôi đó là một vấn đề lớn. Tất cả chúng ta đều biết rằng Ủy hội Sông Mêkông là tổ chức có liên quan đến kế hoạch xây dựng 11 đập nước trên Dòng Mêkông ngay từ đầu. Chúng tôi hy vọng Ủy hội Sông Mêkông có thể giúp tạo điều kiện cho những cuộc thương lượng quân bình giữa phía những người có kế hoạch phát triển đập thủy điện và phía những người có nghi vấn về kế hoạch đó.
Đây là khu đánh bắt cá nội địa lớn nhất thế giới. Hàng năm sản lượng lên đến chừng hai triệu rưỡi tấn, giúp nuôi sống hàng triệu người. Nay người ta lại thấy tiềm năng thủy điện.
Ô. Jeremy Bird
Giới chỉ trích Ủy hội Sông Mêkông cho rằng trong khi phát triển kinh tế nhanh chóng làm thay đổi Dòng sông, thì hai quốc gia Trung Quốc và Miến Điện vẫn không tham gia tổ chức này. Như thế hai nước không phải ràng buộc với qui định tham khảo ý kiến các nước khác trong các vấn đề như xây đập thủy điện và chia xẻ nguồn nước. Nay, Ủy hội Sông Mêkông còn đứng trước thách thức những kế hoạch xây đập của nước chủ nhà Lào, bởi lẽ những đập đó đe dọa nguồn cá trên sông giúp nuôi sống dân chúng trong vùng.
Ông Jeremy Bird phát biểu tiếp:
Có thể nói đây là khu đánh bắt cá nội địa lớn nhất thế giới. Hàng năm sản lượng lên đến chừng hai triệu rưỡi tấn, giúp nuôi sống hàng triệu người. Nay người ta lại trông thấy tiềm năng dồi dào về thủy điện trên sông; tuy nhiên cần phải xem xét đến cả mặt lợi và hại trong lĩnh vực này.
Cho dù những ý kiến khác biệt thế nào về dòng chảy hiện thời của Dòng Mêkông, đối với những cư dân Lào sống ven sông thì mọi dự án phát triển đều có những tác động sâu sắc.
Bà Premudee Daoroung phát biểu:
Cần phải có một tiến trình thích hợp để đưa người dân có thể tham gia vào; chứ không thể để sau khi đưa ra quyết định rồi mới cho họ có ý kiến. Sáng kiến về một tiến trình như thế thật cần thiết nhằm bảo vệ cuộc sống của cư dân ven sông.
Vị trung niên địa phương có ý kiến:
Chúng tôi cảm thấy có mối quan hệ mật thiết hết sức với Dòng sông. Nếu có ngày nào đó không thể đến chạm vào Dòng sông được nữa, chắc chắn chúng tôi thấy mất mát điều gì; không xuống với Sông được đó là điều thiếu thốn. Dòng sông mang lại cho chúng tôi niềm vui thú; ngày nào chúng tôi cũng xuống sông ít nhất một hoặc hai tiếng đồng hồ.
Mặt tích cực
Sau nửa ngày chạy xe ra khỏi thủ đô Vientiane, chúng tôi đến Cao nguyên Nakai, nơi có đập thủy điện Nam Theun 2, một dự án hạ tầng thuộc loại lớn nhất trong lịch sử Xứ Lào. Hơn sáu ngàn dân được tái định cư trong những căn nhà mới quan hồ chứa nước của đập cho thấy những thay đổi tích cực trong đời sống của họ. Đập Nam Theum 2 bán đến 90% sản lượng điện sang cho Thái Lan.
Giờ đây chúng tôi có cơ sở hạ tầng tốt, có nước máy, có điện và đường xá. Cuộc sống tốt đẹp và chúng tôi cũng có đủ tiền bạc.
Người dân địa phương
Một ngư dân địa phương cho biết:
Giờ đây chúng tôi có cơ sở hạ tầng tốt, có nước máy, có điện và đường xá. Cuộc sống tốt đẹp và chúng tôi cũng có đủ tiền bạc.
Một người dân khác cho biết:
Chúng tôi có điện dùng suốt cả ngày, rồi nước máy và như thế là rất nhiều tiện nghi.
Chuyển dòng nước vào Sông Xe Bangfai, đập thủy điện này gây tác động đến hơn 100 ngàn dân trong năm nay là thời điểm đập đi vào hoạt động đầy đủ. Dự án được Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu á hỗ trợ, và Công ty Điện Nam Theum chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân bị mất đất và nguồn sống do việc thực hiện dự án gây nên.
Ông Aiden Gledinning thuộc Công ty Điện Nam Theun 2 cho biết:
Nguyên tắc cơ bản của dự án là giúp cho những cộng đồng dân cư bị tác động chí ít phải khá lên so với trước đây. Lý tưởng hơn nữa là cải thiện cuộc sống cho họ. Dự án không chỉ bồi thường cho những gì mất đi mà thực sự đã cải thiện mọi điều kiện sống.
Một người dân phía dưới đập cho biết:
Họ đã đến và cho chúng tôi xem sơ đồ, bản vẽ. Họ chụp hình và các chuyên viên đo đạc khu vực. Họ cho biết sẽ bồi thường cho đất đai bị lấy đi, trong đó có cả nhà cửa. Nếu ai muốn chăn nuôi, sẽ có dự án hỗ trợ chăn nuôi gia súc, như muốn nuôi heo sẽ có cán bộ dự án đến chỉ nuôi heo.
Tuy nhiên không phải tất cả những người dân khi chúng tôi nói chuyện đều tỏ ra thấy an tâm về cuộc sống mới của họ.
Một ngư dân địa phương cho biết:
Nay vẫn còn nhiều cá, chúng tôi chỉ việc thả câu và bắt được cá. Nhưng tôi e ngại một điều là nguồn cá sẽ cạn, sẽ hết. Đến cuối vụ này, sẽ cạn hết. Như thế tôi không còn nguồn sống nào nữa; trước đây có nhiều nguồn để mưu sinh.
Hồi cuối năm ngoái, Tổ chức Sông Quốc tế công bố phúc trình nêu ra những vấn nạn như mất hồ nuôi cá, gia súc, và không còn đủ đất canh tác lúa. Khi mà Công trình thủy điện Nam Theun 2 chưa hoạt động hết công suất thì mọi tác động cho hạ nguồn vẫn chưa thấy rõ.
Chúng tôi chọn thủy điện làm một ưu tiên phát triển của chúng tôi. Lý do đất nước chúng tôi không có nguồn tài nguyên quan trọng nào khác.
Ô. Daovong Phonekeo
Cô Ikuko Matsumoto thuộc Tổ chức Sông Quốc tế phát biểu:
Đáng ngại không chỉ là tác động đối với nghề cá hoặc phải di dời người dân, mà việc thay đổi dòng chảy của sông sẽ gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân sống ven sông. Đó là những người phải nhờ vào lượng phù sa màu mỡ từ thượng nguồn để canh tác lúa hay rau màu trên đất ven sông. Đập thủy điện sẽ có tác động đến hết thảy. Trong hầu hết mọi trường hợp, những người phát triển thủy điện không thể ước tính được mọi tác động đến dòng sông.
Xuất khẩu điện
Điều nâng tầm quan trọng của Dự án Thủy điện Nam Theum 2 lên là ở chỗ nó được dùng như một trường hợp để thử chính sách biến Dòng Mêkông và các phụ lưu sông này ở địa phận nước Lào thành một nguồn cung ứng điện cho khu vực Đông Nam Á.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, ông Daovong Phonekeo, phát biểu:
Chúng tôi chọn thủy điện làm một ưu tiên phát triển của chúng tôi. Lý do đất nước chúng tôi không có nguồn tài nguyên quan trọng nào khác. Chúng tôi muốn thu hút các nhà đầu tư qua việc cho họ thấy là chúng tôi cũng có tài nguyên. Muốn phát triển, đất nước cần có mặt hàng xuất sang nước khác.
Ông Carl Middleton, thuộc Tổ chức Sông Quốc tế, phát biểu:
Quan niệm này xuất phát từ ý tưởng muốn Lào là nguồn cung ứng điện của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên khi thực hiện điều đó sẽ phá hoại cơ sở nguồn tài nguyên thiên nhiên mà đa số người dân phải nhờ vào để sinh sống. Vấn đề là phải xem xét xem chiến lược đó có thực sự mang lại phát triển cho đa số người dân hay không.
Có quá nhiều kỳ vọng ở dự án thủy điện Nam Theun 2, khi mà chính phủ Lào có kế hoạch xây từ 9 đến 10 dự án thủy điện trên chính dòng Mêkông, và hơn 50 dự án khác trên các phụ lưu Dòng sông; tuy nhiên vẫn còn quá sớm để có thể phát biểu là Dự án Nam Theun 2 có thể trở thành khuôn mẫu như những người ủng hộ xây đập thủy điện kỳ vọng hay không.
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ của Lào, Daovong Phonekeo nói tiếp:
Nếu chúng tôi có được một kiểu mẫu tốt như Nam Theun 2, thì người ta sẽ theo đó.
Một người dân địa phương cũng nói:
Từ khi bắt đầu xây dựng Công trình Nam Theun 2, tôi chưa thấy tác động gì, chưa thấy gì cả, cho nên tôi an tâm và đồng ý với chính phủ. Công trình Nam Theum 2 tốt cho sự thịnh vượng của đất nước chúng tôi.
Chuyến xuôi Dòng Mêkông thuộc địa phận nước Lào đến đây kết thúc. Mời quí vị theo dõi tiếp cuộc hành trình với chúng tôi sang địa phận Kampuchia trong chương trình kỳ tới.
Trên trang web của Đài Á châu Tự do - www.rfa.org, cả tiếng Anh và tiếng Việt, chúng tôi có những video clip về phóng sự xuôi Dòng Mêkông từ thượng nguồn đến hạ nguồn, mời quí vị vào xem.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.
Theo dòng thời sự:
- Sông Mekong và biển Đông - hai vấn đề nan giải
- Hội thảo quốc tế về tranh chấp chủ quyền Biển Đông
- Yêu cầu Trung Quốc cung cấp dữ liệu về đập Tiểu Loan trên sông Mekong
- Nhật ký sông Mêkông (phần 1): Cội nguồn
- Nhật ký sông Mê Kông (phần 2): Địa phận Hoa Lục
- Nhật ký sông Mêkông (phần 3): Địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 4): Xuôi dòng địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 5): Trong địa phận Miến Điện
- Vấn đề Biển Đông sẽ là đề tài nóng tại Asean
- Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 1)
- Những ai không muốn quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông? (phần 2)
- Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 3)