Cô dâu Việt trên đất Mỹ
2010.08.17
Khánh An: Tham dự hôm nay cũng sẽ có một bạn từ Việt Nam nữa. Trước tiên, để cho mọi người có thể làm quen với nhau, Khánh An xin mời các bạn tự giới thiệu về bản thân mình một chút xíu để tụi mình làm quen với nhau, được không?
Thu Lệ: Thưa chị Khánh An và thưa các bạn, mình tên là Phạm Thị Thu Lệ. Mình sinh năm 1985, tức là năm nay mình 25 tuổi. Mình đang học Anh Văn, chương trình TOEFL, chương trình TOEIC và sắp tới đây mình cũng muốn thi chương trình để lấy bằng Cử Nhân Anh Văn. Mình cũng đang theo học khóa học nấu ăn nữa. Hiện nay mình đang sống ở TP.HCM.
Bảo Như: Mình tên là Bảo Như, mình ở San Jose. Mình 31 tuổi. Mình lấy chồng qua Mỹ diện "fiancée" và bây giờ đang đi học "nail". Mình qua Mỹ được 3 tháng.
Khánh Ngọc: Mình tên là Khánh Ngọc. Hiện nay mình đang học, mình lấy bằng "master" về Dental Esthetics tại Trường UCLA. Tháng 7 này là mình qua Mỹ được 10 năm. Khánh Ngọc kết hôn đến năm nay là năm thứ tư rồi.
Thủy: Hello mấy bạn, mình tên là Thủy. Năm nay mình 32 tuổi. Mình qua Mỹ nay gần được 3 năm rồi. Mình đi theo diện kết hôn. Mình rất vui được nói chuyện với các bạn.
Giấc mơ
Khánh An: Khánh An cũng rất vui được các bạn đến tham dự trong chương trình Café Wifi ngày hôm nay. Hiện nay nói chung đi ra nước ngoài là ước mơ của hầu hết các bạn trẻ tại Việt Nam. Một trong những con đường đi đến là bằng cách kết hôn, mà kết hôn thì có rất nhiều nơi để có thể đến, nhưng nếu nói trong tất cả những nơi các bạn muốn kết hôn đi đến nhất thì có lẽ Mỹ là một trong những nơi ưu tiên đầu tiên, nhất là các bạn trẻ thì thường là ví nước Mỹ giống như là một nơi để mà biến tất cả giấc mơ của các bạn thành hiện thực.
Như vậy ở đây, mình có các bạn đã từng ở Mỹ, cũng có bạn đang ở Việt Nam và cũng có mong ước đi Mỹ, phải không? Ở trong này có Thu Lệ, không biết Thu Lệ có thể chia sẻ với các bạn khác là tại sao Thu Lệ lại thích đi Mỹ và Thu Lệ muốn đi Mỹ bằng con đường nào không?
Thu Lệ: Dạ, bắt đầu từ năm 20 tuổi gì đó thì em bắt đầu thích đi Mỹ, tại vì thực sự em cũng thích có công việc và cuộc sống ở bên đó hầu mong sau này thế hệ con cháu nó được giỏi hơn mình. Rồi em cũng nghĩ là đàn ông bên Mỹ thì người ta sống người ta không quá gia trưởng. Rồi em cũng ước mơ có cuộc sống ổn định để có thể giúp đỡ gia đình. Em cũng không biết phải nói làm sao nữa nhưng mà em nghĩ muốn đi Mỹ thì có diện kết hôn thôi.
Thủy: Cho mình hỏi Thu Lệ một chút nghe. Thu Lệ ơi, em muốn qua đây theo diện kết hôn mà em đi theo diện là kết hôn với người em yêu hay là em chỉ kết hôn để em được qua Mỹ?
Thu Lệ: Dạ, thực sự xu hướng, quan niệm sống của em rất là thiên về đời sống gia đình, cho nên em cũng mong ước là em có thể gặp được một người con trai mà em thương và em kết hôn. Em hy vọng gặp được người hợp tính, người tốt nết để em có thể sống suốt đời, chứ em không phải là chỉ muốn kết hôn để đi Mỹ không, mà em muốn gặp được người con trai để đi đến kết hôn thật lòng, rồi sống cùng với nhau suốt cuộc đời, chứ em không thích ly dị.
Trước khi qua Mỹ mình cũng tưởng tượng được là nó sẽ rất buồn, và thực sự là lúc mà mình qua thì mình - mình biết trước rồi nhưng mà mình cũng buồn, cũng khóc riết.
Bạn Bảo Như
Thủy: Và em có biết cuộc sống bên Mỹ thế nào chưa?
Thu Lệ: Dạ, em chỉ có thể coi ở trên nhạc hải ngoại như Paris By Night gì đó thôi, rồi coi kịch nghệ Hoài Linh - Vân Sơn gì đó ở trên băng đĩa thôi. Có ông bà ở xa nên em cũng không có rành nhiều về bên Mỹ.
Một đất nước xa lạ
Khánh An: Thủy nghĩ sao, Thủy? Trước khi bạn đi Mỹ thì bạn có những giấc mơ như thế nào? Bạn có nghĩ rằng bạn đi qua Mỹ thì bạn sẽ có được cuộc sống hạnh phúc hay là những nguyên nhân nào khác khiến cho bạn quyết định đi sang Mỹ?
Thủy: Thủy thì Thủy không có ý nghĩ là Thủy thích qua Mỹ, đó là sự thực. Nhưng khi Thủy yêu chồng Thủy thì lúc đó mình yêu người ta thì chắc chắn mình phải qua đây rồi. Nhưng mà Thủy nghĩ ở đất nước nào cũng vậy, nếu mình ở chỗ nào mà có một công việc tốt, một cái vị trí của mình thì mình ở chỗ đó là chỗ tốt nhất của mình. Dù sao chỗ đó cũng có gia đình, có người thân của mình hơn là một đất nước xa lạ.
Khánh An: Các bạn khác thì nghĩ sao?
Bảo Như: Bảo Như cũng nghĩ giống như là Thủy vậy đó, tại vì Bảo Như hồi trước nhiều khi cũng nói với ông xã mình là không ngờ là giờ này em đang ở Mỹ. Tại vì hồi xưa đến giờ em không có nghĩ là mình đi Mỹ, hay là em đi ngang Đại Sứ Quán Mỹ hồi xưa em cũng không biết đó là Đại Sứ Quán Mỹ. Em thấy tại sao người ta xếp hàng “rồng rắn lên mây” để làm gì ở chỗ đó, thì người ta mới nói là mấy người này đi phỏng vấn đi Mỹ đó. Thế mình mới nói là tại sao người ta thích đi Mỹ như vậy?
Nhưng mà Thủy nghĩ ở đất nước nào cũng vậy, nếu mình ở chỗ nào mà có một công việc tốt, một cái vị trí của mình thì mình ở chỗ đó là chỗ tốt nhất của mình.
Bạn Thủy
Không biết Mỹ có cái gì mà mọi người lại thích như vậy. Nhưng mà mình chỉ nói như vậy thôi chứ mình không hiểu tại sao người ta bất chấp tất cả để người ta qua Mỹ. Mình cũng nghe mọi người nói là ở bên Mỹ - tất nhiên ở những thành phố như New York, Washington thì nói rồi, giống như là phim ảnh rồi, còn thực tế như mình ở đây thì một số bạn cũng nói là nó cũng bình thường thôi, nó cũng giống Đà Lạt, dĩ nhiên là nó hiện đại hơn Đà Lạt, nhưng mà nhìn nó cũng rất là buồn. Nó không được hiện đại và vui nhộn như là trong phim. Cho nên trước khi qua Mỹ mình cũng tưởng tượng được là nó sẽ rất buồn, và thực sự là lúc mà mình qua thì mình - mình biết trước rồi nhưng mà mình cũng buồn, cũng khóc riết.
Xong rồi mình không có ý định là đi học "nail" đâu, nhưng mà mẹ mình nói là con qua Mỹ không được làm "nail" tại vì mẹ cho con ăn học - mình cũng đã học hết đại học ở Việt Nam - cho nên mẹ nói là cho con ăn học đại học là mẹ không muốn cho con học "nail", học cái gì thì học. Mình cũng không có ý định là đi học "nail" nhưng bây giờ cơm áo gạo tiền, mình phải lo tiền "bill" nè, thấy chồng cực khổ quá, cho nên mình quyết định đi học "nail". Cho nên như bạn Thu Lệ ở Việt Nam thì chắc là bạn, mình nghĩ nếu bạn yêu thật lòng, bạn qua đây thì bạn mới có thể tiếp tục cuộc sống, tại vì cuộc sống ở bên đây không có dễ dàng chút nào hết.
Thủy: Với Thủy thì Thủy nghĩ cuộc sống chưa hẳn có tình yêu là đủ đâu, phải không?
Khánh An: Ừ, với Thủy thì còn cần thêm những điều kiện nào khác nữa?
Thủy: Khi mình qua bên này, lúc đó mình chỉ có một thân một mình, mình qua bên Mỹ coi như giống một đưa trẻ, mình phải làm lại từ đầu hết, phải tập ăn, tập nói, tập đi. Nói chung là cái gì mình cũng phải làm lại từ đầu hết, giống như một đứa trẻ ở bên Việt Nam vậy đó, cho nên những cái xung quanh nó tác động tới mình nhiều lắm. Hiện giờ mình còn bị thiếu thốn tình cảm gia đình, lúc mình buồn này kia mình không có người chia sẻ, không có bạn bè, không có gia đình bên cạnh. Đâu phải là vợ chồng lúc nào cũng vui vẻ đâu, cũng có lúc này lúc kia, đúng không?
Bảo Như: Thì Bảo Như cũng nghĩ giống như Thủy tại vì mình qua đây cũng không có một người họ hàng, người thân nào ở bên đây hết, cho nên mỗi lần mình buồn thì mình thật sự không biết đi đâu, mình mới đi xuống dưới nhà - lúc mà mình mới qua mình ở apartment- mình xuống dưới nhà rồi mình đi ra khỏi nhà mình, mình ngồi ngay cái góc mình khóc, mình cảm thấy “Trời ơi, sao mà mình tự nhiên qua bên Mỹ mình khổ, tội nghiệp mình, mình như homeless vậy đó”. Trời ơi, mình tủi thân dễ sợ luôn vậy đó! Và mình không dám kể về cho Việt Nam nghe mình buồn như thế nào tại vì sợ ba mẹ lo lắng vì ba mẹ cũng lớn tuổi rồi mà.
Thủy: Mà ở bên đây, bên Mỹ người chồng của mình phải lo công việc, lo đi kiếm tiền. Bên đây mỗi tháng ai cũng biết mà, "bill" quá trời "bill". Ai cũng phải lo kiếm tiền hết, đâu còn thời gian để người ta chia sẻ với mình đâu.
Khó khăn ban đầu
Khánh An: Qua sự chia sẻ của hai bạn Bảo Như và Thủy, mình có thể thấy là có một khoảng cách rất lớn giữa ước mơ, giữa cái nhìn của bạn trước khi bạn đến Mỹ và cái thực tế ở đất nước Mỹ như thế nào. Có thể thấy là các bạn gặp khá là nhiều cái khó khăn, "sốc" luôn chứ không phải là khó khăn đơn thuần nữa, phải không? Không biết Thu Lệ khi nghe như vậy, bạn có thấy sợ không?
Thu Lệ: Dạ, em cũng cảm thấy lo lắng, tại vì bản thân em cũng là người yếu đuối cho nên không biết là em có thể sống được bên đó hay không. Các chị ở đây người nào cũng có thể nói là giỏi hơn em, em chắc là người yếu đuối nhất.
Thực ra Ông Trời ổng sinh ra rất là hay, nếu mà bỏ Thu Lệ vô bất cứ một môi trường nào đó, tự động lúc đó Thu Lệ sẽ điều tiết mình và điều chỉnh con người mình để phù hợp với môi trường sống lúc đó.
Bạn Khánh Ngọc
Khánh Ngọc: Khánh Ngọc có ý kiến với bạn Thu Lệ như vầy. Thực ra ở trong đây ai cũng đã từng trải qua những cái khó khăn trong cuộc sống. Thực ra Ông Trời ổng sinh ra rất là hay, nếu mà bỏ Thu Lệ vô bất cứ một môi trường nào đó, tự động lúc đó Thu Lệ sẽ điều tiết mình và điều chỉnh con người mình để phù hợp với môi trường sống lúc đó. Cho nên tự nhiên lúc đó mình trở thành con người rất là mạnh mẽ, giống như là cuộc sống của Khánh Ngọc, khi mà Khánh Ngọc qua Mỹ. Chuyện qua Mỹ là chuyện hoàn toàn Khánh Ngọc không bao giờ nghĩ tới và mơ tưởng tới, tại vì hồi ở Việt Nam, Khánh Ngọc có một cuộc sống rất là tốt. Khánh Ngọc được bảo bọc bởi cha mẹ và cho ăn học rất là đầy đủ. Khánh Ngọc học hai trường đại học cùng một lúc là Đại Học Ngoại Thương và Đại Học Luật.
Nhưng khi qua Mỹ bên nay thì tất cả cuộc sống tốt đẹp của mình hiện có tự nhiên nó bỗng thay đổi từ trắng sang đen. Đại học của mình, cái bằng của mình không ai chấp nhận nữa hết. Tất cả mọi thứ mình phải làm lại từ đầu và cũng giống như các bạn Thủy và Bảo Như đã kể lại cho Thu Lệ nghe rồi đó, là cuộc sống rất là khó khăn. Riêng Khánh Ngọc từ trong một gia đình rất là tốt, được cha mẹ cưng chiều, không từng biết làm cái gì hết, nhưng mà qua tới đây, Thu Lệ có tưởng tượng được là mình từng không nhà không cửa, là homeless trong vòng mấy tháng trời không! Không đồ ăn! Nói chung là không có nhà ở, không có gì hết, rất là khó khăn, cho nên đừng nghĩ Mỹ là thiên đường! Và đừng nghĩ đàn ông bên Mỹ là tốt hơn Việt Nam!
Khánh An: Quý vị và các bạn vừa được biết ý kiến của Khánh Ngọc. Bây giờ đã đến lúc Café Wifi phải nói lời tạm biệt rồi. Kỳ tới, các cô dâu Việt trên đất Mỹ sẽ tiếp tục chia sẻ với quý vị và các bạn lý do tại sao các chàng Việt Kiều Mỹ lại thu hút các bạn gái trẻ tại Việt Nam và liệu những gì các cô gái nhìn thấy nơi các chàng trai này có chính xác hay không? Hẹn quý vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Khánh An cũng mong nhận được những ý kiến đóng góp và sự tham gia của quý vị qua email wificoffee.rfa@gmail.org hoặc vietweb@rfa.org. Xin kính chào tạm biệt.
Theo dòng thời sự:
- Phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài
- Câu chuyện buồn của một cô dâu Việt Nam (phần 1)
- Câu chuyện buồn của một cô dâu Việt Nam (phần 2)
- Không kiểm soát được các công ty môi giới hôn nhân?
- 20 cô dâu Việt Nam mất tích ở Trung Quốc
- Cái chết không bình thường của một cô dâu VN tại Malaysia
- Cô dâu Việt bị chồng Hàn quốc giết chết
- Hàn Quốc sẽ cải tổ kinh doanh môi giới hôn nhân