Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi. Mời quý vị và các bạn cùng tái ngộ với các bạn Thu Lệ hiện đang ở Việt Nam và 3 bạn trẻ đã kết hôn đang sống ở Mỹ là Thủy, Khánh Ngọc và Bảo Như. Như Khánh An đã giới thiệu lần trước, trong chương trình hôm nay, các bạn trẻ tại Mỹ sẽ tiếp tục kể cho Thu Lệ và các bạn trẻ khác về những ngày đầu của họ khi sang Mỹ, những khó khăn và trở ngại mà họ gặp phải trong vấn đề ngôn ngữ, tài chánh và cả về văn hóa, lối sống, dù cho người chồng của họ tại Mỹ cũng là một người Việt. Bây giờ, mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp ý kiến của Khánh Ngọc lần trước:
Khánh Ngọc: Không ai tạo cho mình và cũng không có một đất nước nào tạo cho Lệ được cuộc sống tốt đẹp ngoài bản thân mình hết.
Khác biệt văn hóa
Khánh An: Ừ, ngoài những chia sẻ mà các bạn vừa nói, Khánh An muốn hỏi các bạn, đặc biệt là các bạn đang ở Mỹ, đã từng có kinh nghiệm sống tại Mỹ dù ít hay nhiều năm, thì các bạn có thể nói cho Thu Lệ cũng như là nhiều bạn trẻ khác đang rất quan tâm đến cuộc sống ở Mỹ về bước đầu của các bạn, đã gặp những khó khăn, những cú sốc như thế nào không?
Khi mà Thủy mới qua, Thủy thì không giỏi tiếng Anh, mà bên này đi ra đường toàn nói tiếng Anh không, cho nên ngôn ngữ là đã gặp trở ngại rồi.
Bạn Thủy
Thủy: Khi mà Thủy mới qua, Thủy thì không giỏi tiếng Anh, mà bên này đi ra đường toàn nói tiếng Anh không, cho nên ngôn ngữ là đã gặp trở ngại rồi. Rồi ăn uống cũng vậy, không giống như Việt Nam, nếu mình qua đây không có người quen hướng dẫn mình phải làm sao, là mình làm theo kiểu Việt Nam mình ăn không được luôn.
Khánh An: Nghĩa là những đồ ăn bạn mua ở chợ Mỹ về bạn làm mà cũng không ăn được luôn?
Thủy: Ở chợ Mỹ thì mình ăn giống như là mình đói quá rồi thì phải ăn thôi, chứ thực ra đồ ăn Mỹ đâu có hợp với khẩu vị của mình đâu. Đồ của Mỹ đâu có đủ gia vị như đồ ăn Việt Nam. Giống như bên đây, thịt hay cá mình mua về thì phải luộc trước hết trơn, nếu mà không có người hướng dẫn, mình không biết cứ làm theo kiểu Việt Nam, mua về tươi, rửa sạch, bỏ vô nấu là ăn không được. Rồi mình mới qua đây, mình đâu có đi làm được đâu. Mình chưa có giấy tờ, mà bên đây xin việc cũng đâu có dễ, mình không có học thức thì mình không xin làm cái gì được hết trơn, rồi bằng cấp của mình không sử dụng được nữa, rồi lúc đó mình không có tiền, mình sống lệ thuộc, nội cái tâm lý đó thôi mình đã muốn ngộp thở với nó rồi. Nói chung, cuộc sống của Thủy bây giờ đã được 3 năm là cũng đã đỡ rồi, nhưng vẫn chưa cảm thấy có cái gì là "happy" hết.
Khánh An: Ừ, thế còn về quan hệ trong gia đình thì như thế nào? Với người chồng khi trước đây còn ở Việt Nam và sau khi mình rời khỏi Việt Nam để đến nước Mỹ thì…
Thủy: Ừ, cái đó thì khác xa luôn.
Khánh An: Khác xa như thế nào?

Thủy: So với Mỹ là khi ở Việt Nam, cái tâm lý của người ta là đi chơi, cho nên lúc nào người ta cũng vui vẻ, dễ thương hết, về Việt Nam là chỉ chơi với xài tiền không à. Ừ, đã lắm nha, Thủy nghĩ là ai cũng vậy chứ không phải chỉ một mình Thủy thôi đâu. Mấy người Việt kiều về đó dễ thương lắm nhưng mà khi qua đây rồi thì thay đổi hoàn toàn hết, tại vì ở đây người ta phải đi làm, phải lo kiếm tiền. Giống như một lần về Việt Nam như vậy thì qua đây phải đi cày lại, rồi cuộc sống nhiều thứ phải lo toan, ở bên Mỹ gánh nặnh nhiều hơn Việt Nam nhiều, gặp mình chưa đi làm nữa, tâm lý mình cũng không được vui vẻ, thoải mái cho nên dễ có xung đột lắm. Với Thủy, mình bước sai một bước là mình đi xa một dặm.
Khó khăn kinh tế?
Khánh An: Wow, Bảo Như mới sang có 3 tháng, không biết hình ảnh bây giờ hiện nay của bạn so với hình ảnh trước đây 3 tháng…
Thủy: Đẹp lắm, mấy tháng đầu còn đẹp lắm!
Khánh An: Thủy nói là "còn đẹp lắm", không biết có đúng không?
Bảo Như: Không, không. Hình ảnh mà mình suy nghĩ về Mỹ thì mình nghĩ là không đẹp như bức tranh từ ban đầu rồi. Nhưng về tình yêu, cũng giống như Thủy nói vậy đó, ông xã mình khi về Việt Nam chơi thì ảnh chơi hết sức là vui vẻ. Ảnh cũng không tỏ ra một cái gì hết, tức là thực sự mình cũng không biết rõ lắm ảnh như thế nào, nhưng mà mình cũng hiểu nhưng không hiểu hết. Nhưng khi qua đây, cuộc sống khó khăn lúc đầu, tất cả những cái gì đó nó bộc lộ ra hết, ảnh không được thoải mái về tiền bạc, bắt đầu cuộc sống vợ chồng không được vui vẻ khi mà mình thiếu thốn…
Thủy: Khi mà sống chung rồi, giữa hai người xa lạ sống chung có nhiều va chạm, lúc đó nó bộc lộ mỗi cái một chút nó trở thành khác nhau nhiều lắm. Nhưng mà với Thủy, Thủy chỉ biết một điều mà bản thân Thủy rút ra là yêu không thôi không đủ đâu, người ta yêu mình nhưng người ta có vì mình hay không, hai người có vì nhau hay không, cái đó mới là quan trọng.
Nhưng khi qua đây, cuộc sống khó khăn lúc đầu, tất cả những cái gì đó nó bộc lộ ra hết, ảnh không được thoải mái về tiền bạc, bắt đầu cuộc sống vợ chồng không được vui vẻ.
Bạn Bảo Như
Khánh Ngọc: Đúng rồi.
Thủy: Còn nếu mà yêu nhau mà không vì nhau cũng…
Khánh Ngọc: Có nhiều người rất yêu, yêu thật nhiều nhưng mà còn phải tính tới cái bản tính nữa…
Thủy: Còn cái tôi.
Khánh An: Như vậy có thể thấy là…
Khánh Ngọc: Giống như là ích kỷ.
Khánh An: Ừ, đúng. Đúng rồi, từ bạn dùng đúng là "ích kỷ", sự ích kỷ có thể lấn át tình yêu phải không?
Khánh Ngọc: Đúng vậy.
Thủy: Cái đó là cái tôi.
Khánh Ngọc: Dạ. Một cái ví dụ rất đơn giản, bây giờ trong cuộc sống vợ chồng, họ rất yêu mình thì người ta mới lấy mình, đúng không? Nhưng cuộc sống sẽ nảy nở ra những cái mà sự ích kỷ bắt đầu bộc lộ ra, mình mới thấy được là yêu không phải là đủ, nhiều khi ích kỷ quá nó cũng lấn át luôn cả tình yêu, cho nên không thể nào nói là yêu là nhường nhịn, lo lắng, bảo bọc… Đúng vậy, nhưng mà có những cái họ cũng nghĩ có bản thân.
Thủy: Thủy nghĩ không có nhiều người may mắn như Khánh Ngọc, được chồng ủng hộ cho học hết cái này đến cái kia. Hiếm lắm! Người đàn ông Việt Nam ở đâu cũng vậy, ở đất nước này hay ở đâu cũng vậy, không có người đàn ông nào muốn vợ hơn mình hết.

Khánh Ngọc: Yeah, có thể là do hoàn cảnh, giống như hồi nãy Khánh Ngọc nói là gia đình bên chồng của Khánh Ngọc tương đối là "high education", nghĩa là ai cũng có cái này cái kia hết, thì chồng mình không muốn người ta coi thường vợ mình, cái đó cũng là một trong những động lực thúc đẩy rất là lớn, một phần nữa mà mình cảm thấy là mình cho điểm 10 với cái suy nghĩ của ảnh là như vầy "Thà anh nuôi em 2 năm, 5 năm, 10 năm còn hơn là nuôi em cả đời", tức là ảnh muốn Khánh Ngọc đi học xong rồi ra phải đi làm để cho ảnh về hưu sớm, chứ không có đơn giản là chỉ có cho đi học như vậy thôi mà ảnh cũng có cái mục đích của ảnh, với lại giúp ảnh nuôi dạy con cái, chứ còn nếu mình không đi vô trường, không có được sự giáo dục đào tạo ở bên Mỹ, vì giáo dục bên Việt Nam và bên Mỹ hoàn toàn khác nhau, mà mình đem cái giáo dục Việt Nam áp dụng cho ở bên Mỹ thì cũng không đúng, cho nên phải áp dụng cho cả hai bên luôn, cho nên mình mới cố gắng mình đi học.
Ước vọng tiến thân
Khánh An: Có thể nói là Khánh Ngọc, như các bạn thấy, là một trong những trường hợp hiếm hoi may mắn đặc biệt phải không? Tại vì có rất nhiều người bạn trẻ khác khi mà họ qua đây, lúc đầu thì ở Việt Nam có thể là những ông chồng của họ hứa rất nhiều như là sẽ cho học cái này học cái kia, nhưng khi qua đây, có thể là họ chỉ hứa như vậy thôi, nhưng cũng có thể vì lý do kinh tế, họ không thể nào gánh vác được chuyện học của vợ mình, cho nên có khá nhiều bạn không có điều kiện đi học…
Khánh Ngọc: Đó là hoàn cảnh của Bảo Như đó.
Khánh An: Bảo Như thì sao, Bảo Như?
Bảo Như: Bảo Như thì chồng của Bảo Như cũng rất tôn trọng ý kiến của vợ. Trước khi mình qua Mỹ, ảnh có nói là "Thì tùy em, qua đây em muốn làm cái gì thì đi làm, còn nếu mà em đi học được thì càng tốt. Anh cũng muốn em đi học, tại vì em được học hành ở bên Việt Nam mà qua đây em phải làm cái nghề như những người Việt Nam ở đây làm nhiều thì em cũng thấy tội cho em". Ảnh nói nếu mình học được nhiều thì cái đó là tốt, bởi vì mình sống bên Mỹ thì mình cần phải có sự hiểu biết, mà muốn hiểu biết thì dĩ nhiên mình phải đi học, thì ảnh có nói với mình như vậy.
Cho nên qua đây được vài tháng thì mình thấy cuộc sống khó khăn quá, mà mình cũng muốn phụ giúp cho chồng, mình nói với chồng là "Thôi, để cho em đi học "nail".
Bạn Bảo Như
Khi qua bên Mỹ, ban đầu mình cũng không nghĩ đến là mình đi học "nail", mình nghĩ đến là mình sẽ đi học một cái gì đó như là y tá gì đó, học cái gì ngăn ngắn thôi. Dĩ nhiên là tới cái tuổi mình sẽ sanh con, mình cũng phải lo gia đình, mình không thể nào đi học dài được, bởi vì mình qua bây giờ là 31 tuổi rồi chứ không phải là mình 20 mà mình có cơ hội mình học dài dài lên được nữa. Cho nên qua đây được vài tháng thì mình thấy cuộc sống khó khăn quá, mà mình cũng muốn phụ giúp cho chồng, mình nói với chồng là "Thôi, để cho em đi học "nail". Học "nail" thì nó cũng ngắn thôi, hai ba tháng, sau đó thì em có thể đi làm phụ giúp được anh phần nào hay phần đó. Ít nhất thì cũng phụ giúp được tiền nhà". Lấy thí dụ như ảnh làm không được tháng đó thì mình có thể phụ ảnh. Rồi từ từ mình sẽ đi làm ngày cuối tuần, rồi những ngày khác mình có thể đi học sau. Ban đầu là mình nghĩ như vậy trước.
Khánh An: Nói chung là điều kiện của bạn là không được may mắn như là Khánh Ngọc, nhưng mà dù gì thì ý kiến của chồng bạn cũng là ủng hộ cho bạn đi học chứ không phải là ngăn cản. Cũng có những trường hợp mà Khánh An được biết là thậm chí người chồng ngăn cản, không hề muốn cho người vợ mình được đi học hay đi ra ngoài nhiều. Cái tâm lý của rất nhiều ông chồng là như vậy…
Thủy: Cái trường hợp đó, Khánh An, trường hợp đó Thủy nói Thủy cũng không ngoại lệ đâu, những người bạn của Thủy qua đây cũng vậy. Hầu như lúc đầu mình mới qua ít nhất mình phải cần biết lái xe để mình đi đường càng sớm càng tốt. Đa số những ông chồng bảo ở đây không cho vợ tập xe. Họ bắt mình ở nhà một năm đầu tiên. Hầu như đứa nào cũng vậy. Hầu hết là đa số trong những người bạn mà Thủy biết luôn. Giấy tờ không làm cho mình liền đâu nghe. Qua đến Mỹ không chịu làm giấy tờ cho mình, sợ mình có giấy tờ sớm rồi mình sẽ thế này thế kia. Nói chung là người ta đã bảo lãnh mình qua đây, mặc dù yêu đó những mà cái tâm lý người ta không biết làm sao đó mà người ta cứ muốn giữ mình thôi, người ta không muốn cho mình ra ngoài.
Khánh Ngọc: Tại sợ mất đó chị Thủy, tức là yêu lắm rồi đó nghe.
Thủy: Hầu như những người đàn ông người ta ích kỷ lắm. Người ta cứ sợ cái gì đó mình cũng không biết.
Khánh An: Nhưng mà các bạn có nghĩ rằng nó có một nguyên nhân đàng sau đó không? Cái nguyên nhân mà rất nhiều người ở nước Mỹ này họ thấy là họ đã từng trực tiếp chứng kiến rất là nhiều trường hợp xảy ra mà có nhiều cô gái Việt Nam khi qua đây lấy chồng lúc đầu thì rất vui vẻ, rất chiều chuộng chồng, đến sau khi có giấy tờ, mọi thứ có thể đứng vững được rồi thì lại thay lòng đổi dạ chẳng hạn, thì điều đó không biết có phải là một nguyên nhân?
Thủy: Mình nghĩ cái đó cũng có một phần nhưng mà mình nghĩ thành phần đó chắc cũng không có nhiều lắm, đó là những người đi Mỹ dạng không đàng hoàng, ít học hay này kia. Còn như mình thấy vợ chồng người ta tan rã rồi mình nghĩ người đó lợi dùng để thế này thế kia, nhưng mà mình đâu có biết trong nội tình người ta như thế nào đâu, đâu có biết người chồng đối xử với vợ như thế nào đâu. Thủy cũng đang trong hoàn cảnh đó, khi Thủy qua đây chỉ có một thân một mình và người chồng là người thân duy nhất của mình ở đất Mỹ thôi, cho nên người chồng là chỗ dựa tinh thần rất lớn đối với mình, nhưng mà người ta có đối xử với mình tốt hay không, nghĩa là có cho mình niềm vui, có cho mình niềm tin để mình sống lâu dài hay không.
Khánh An nghĩ coi, người phụ nữ Á Đông khi mà người ta đã quyết định kết hôn thì không ai muốn có những chuyện như vậy. Không người phụ nữ nào mà người ta không muốn có người chồng hết.
Khánh Ngọc: Đúng rồi.
Khánh An: Như vậy, thưa quý vị và các bạn, theo những chia sẻ của bạn Thủy thì các cô dâu của Việt Nam khi sang đất Mỹ cũng mang đầy thiện chí để cùng người chồng xây đắp một gia đình hạnh phúc. Vậy nguyên nhân vì sao dẫn đến đổ vỡ trong rất nhiều cặp vợ chồng mà người vợ đến từ Việt Nam, để đến nỗi nhiều bậc phụ huynh tại Mỹ không muốn con mình về Việt Nam kết hôn? Mời quý vị tiếp tục theo dõi ý kiến của những người trong cuộc trong kỳ Café Wifi tiếp theo. Khánh An xin chào tạm biệt.
Theo dòng thời sự:
- Vì sao các chàng Việt Kiều lại thu hút?
- Cô dâu Việt trên đất Mỹ
- Phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài
- Câu chuyện buồn của một cô dâu Việt Nam (phần 1)
- Câu chuyện buồn của một cô dâu Việt Nam (phần 2)
- Không kiểm soát được các công ty môi giới hôn nhân?
- 20 cô dâu Việt Nam mất tích ở Trung Quốc
- Cái chết không bình thường của một cô dâu VN tại Malaysia
- Cô dâu Việt bị chồng Hàn quốc giết chết
- Hàn Quốc sẽ cải tổ kinh doanh môi giới hôn nhân