Những trở ngại của cô dâu Việt ở Mỹ

Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi. Chúng ta sẽ gặp lại các bạn Thu Lệ ở Việt Nam và 3 bạn trẻ đang sống tại Mỹ là Thủy, Khánh Ngọc và Bảo Như.
Khánh An, phóng viên RFA
2010.09.13
000_SAHK990330508830-305.jpg Cô dâu và chú rể trên xe hơi mui trần là phong cách thời trang của giới trẻ hiện nay
AFP photo

Kỳ này, mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi ý kiến của những người trong cuộc về nguyên nhân tại sao những cuộc hôn nhân giữa các chàng trai Việt tại Mỹ với các cô gái ở Việt Nam hay gặp nhiều trở ngại.

Nhẫn nhục chịu đựng ...

Thủy: Khánh An nghĩ coi, người phụ nữ Á Đông khi mà người ta đã quyết định kết hôn thì không ai muốn có chuyện ly dị. Không người phụ nữ nào mà người ta muốn có nhiều chồng hết.

Khánh Ngọc: Đúng rồi!

Khánh An: Như vậy các bạn thử phân tích xem coi là nguyên nhân từ đâu mà để xảy ra những chuyện không vui, để đến nỗi rất nhiều người Việt Nam ở Mỹ, chẳng hạn như con cái của họ mà nói đi về Việt Nam lấy vợ qua thì họ không vui, họ nghĩ là đi về Việt Nam lấy vợ thì chưa chắc người vợ đó đã yêu con trai của mình...

Khánh Ngọc: Đúng vậy đó.

Khánh An: ...thì tại sao lại xảy ra chuyện như vậy? Nếu như các bạn nói rằng bây giờ ở Việt Nam khi mà các cô gái qua đây, họ muốn lấy chồng và họ muốn sống suốt đời với người chồng đó thì vấn đề là ở đâu? Mình có thể tìm ra được mấu chốt của vấn đề được không?

Bảo Như: Như là mình thấy, những anh Việt kiều về thì ảnh đâu có những cơ hội để đi vào văn phòng hay vào những nơi có môi trường tốt để quan hệ với những cô gái tốt như là những người có học đâu. Ảnh chỉ đi những sàn nhảy hay là quán cà-phê, mát-xa, thì ảnh chỉ gặp những cô gái như vậy thôi.

Phải sống và chịu đựng - có thể nói là Khánh Ngọc dùng cái từ "chịu đựng" ở đây là bởi vì cuộc sống ở bên Mỹ không có cái gì là đơn giản, là tốt và hoàn hảo giống như một bức tranh tuyệt vời cả. Hành trang đầu tiên mà các bạn cần phải có đó là sự tự lập rất cao và sự chịu đựng rất bền bỉ.

Khánh Ngọc


Những cô đó hầu như là gia đình người ta khó khăn hoặc người ta ở những địa phương xa, người ta muốn đổi đời bằng cách qua Mỹ, cho nên họ sẽ bất chấp cho dù người chồng của họ là tốt, là xấu, là già, là trẻ hay như thế nào đi nữa thì họ cũng bất chấp, họ ngọt ngào bằng mọi cách để người ta đưa họ qua Mỹ.

Và khi qua Mỹ trong thời gian còn chờ giấy tờ thì người ta vẫn vui vẻ, sau đó rồi thì họ mới bộc lộ ý đồ của họ là không phải họ yêu người đó mà ý đồ của họ là để qua Mỹ thôi. Trường hợp đó khá phổ biến nên làm cho sự đánh giá của những người, nhất là người lớn, ở bên Mỹ rất là ghét con gái ở Việt Nam.

Khánh Ngọc: Đúng vậy đó. Tiếp lời với Bảo Như, ngay chính bản thân của Khánh Ngọc, các bạn biết không, ngay từ lúc ban đầu cho tới ngày chồng mình cưới mình thì cũng trải qua biết bao nhiêu là khó khăn gian khổ bởi vì phần lớn là bên gia đình của chồng không muốn chồng mình cưới Khánh Ngọc, bởi vì họ đánh giá là con của họ có công việc ổn định, có trình độ cao thì tại sao phải cưới một đứa con gái Việt Nam mới qua không biết gì.

Thứ hai nữa là sợ Khánh Ngọc sẽ lợi dụng ảnh để mà có giấy tờ và tiền bạc rồi sau đó là "đá đít" ảnh. Nói chung, họ tạo ra những khó khăn để cho hai đứa không tới được với nhau, rồi thời gian mình chứng tỏ cho những người đó biết là mình tới với chồng mình bằng một tình yêu thật sự.

photo-ngoisao.net-250.jpg
Đeo nhẫn. Hình minh họa. Photo courtesy of ngoisao.net
Đeo nhẫn. Hình minh họa. Photo courtesy of ngoisao.net
Cho nên, phải sống và chịu đựng - có thể nói là Khánh Ngọc dùng cái từ "chịu đựng" ở đây là bởi vì cuộc sống ở bên Mỹ không có cái gì là đơn giản, là tốt và hoàn hảo giống như một bức tranh tuyệt vời cả. Cố gắng rồi thì khó khăn cũng vượt qua thôi, thì sẽ tránh được suy nghĩ ly dị là "Ồ, tôi phải ly dị anh để tôi kiếm một người khác có tiền lo cho tôi này kia", cái đó là một suy nghĩ rất sai lầm. Khánh Ngọc nghĩ là hành trang đầu tiên mà các bạn cần phải có đó là sự tự lập rất cao và sự chịu đựng rất bền bỉ.

Thủy: Sống ở Mỹ phải biết chữ "nhẫn" và chữ "nhục" hả Khánh Ngọc?!

Khánh Ngọc: Dạ, đúng rồi. Dạ, đúng là như vậy đó.

Khánh An: Theo như những chia sẻ vừa rồi giống như bạn Khánh Ngọc nói là cần phải tự lập, phải chịu đựng, ngoài ra các bạn nghĩ còn những yếu tố nào có thể giúp cho bạn thích nghi một cách nhanh nhất, cũng như bảo đảm, giữ gìn được hạnh phúc ở một đất nước khác?

Bảo Như: Mình thì nghĩ cũng như Khánh Ngọc, phải cần có sự tự lập và sự chịu đựng, rất là chịu đựng chứ không phải một sự chịu đựng thông thường, bởi vì mình qua đây cái gì cũng phải làm lại từ đầu, cho nên có lẽ mình cũng phải dẹp cái tôi của mình qua một bên nữa để bắt đầu một cuộc sống mới.

Khánh An: Cảm ơn ý kiến của Bảo Như. Còn Thủy thì Thủy nghĩ sao, Thủy?

Thủy: Thủy nghĩ ở Mỹ thì phải biết "nhẫn" và phải chịu "nhục" thì mình mới tồn tại được.

Khánh Ngọc: Đúng đó. Chị Thủy nói đúng, phải chịu nhục nhiều lắm.

Thủy: Cả với người thân của mình, cả với người chồng của mình và cả xã hội nữa.

Bảo Như: Nhất là bên ngoài đó, mình nghĩ là như vậy.

Cho nên cần phải cố gắng và từ cái đó mà phải lấy cái bàn đạp đó mà mình vươn lên, phải hơn như vậy, không để cho người ta tiếp tục chà đạp mình, mà phải kiên nhẫn đứng lên, đứng lên, đứng lên để thành công trong cuộc sống.

Khánh Ngọc


Khánh Ngọc: Đúng vậy. Ví dụ như Khánh Ngọc, hồi đó Khánh Ngọc đi làm part-time để kiếm thêm tiền đi học. Khánh Ngọc làm "cashier" trong một nhà hàng, tức là chỉ đứng tính tiền thôi, họ trả lương mình cho nên là từ cashier qua chạy bàn, bưng đồ ăn, xuống bếp rửa chén, xong rồi chạy qua lặt rau, rồi chà qua cả toilette.

Vì như vậy nên bên chồng của mình và những người họ có trình độ hơn, có khả năng hơn thì họ nhìn mình không ra cái gì hết và lời nói của mình không còn có giá trị nữa. Khi mà mình lên tiếng thì một chữ thôi họ cũng không muốn nghe. Họ nói là "Cô chưa đủ tư cách để nói chuyện với tôi", hoặc là "Cô chưa có đủ trình độ để tham gia cuộc nói chuyện này". Họ không nói thẳng nhưng mà họ có những lời nói có dấu hiệu cho biết là "Cô nên get out of here bởi vì cô chưa có đủ trình độ, cô chưa có đủ khả năng để gia nhập cuộc nói chuyện ngày hôm nay".

Hoặc là thí dụ như mình biết nói chuyện hay là mình có khả năng giao tiếp thì mình sẽ được ngồi vào bàn nói chuyện, còn nếu không thì tốt nhất đi vô trong bếp rửa chén hay chà toilettte gì đi chứ không được đứng đây, tức là nhục tới mức độ như vậy, nhục hơn chữ nhục đó. Cho nên cần phải cố gắng và từ cái đó mà phải lấy cái bàn đạp đó mà mình vươn lên, phải hơn như vậy, không để cho người ta tiếp tục chà đạp mình, mà phải kiên nhẫn đứng lên, đứng lên, đứng lên để thành công trong cuộc sống.

...để vươn lên

Khánh An: Những kinh nghiệm như vậy đó, nếu như bạn không đủ mạnh thì nó có thể vùi dập bạn luôn.

Bảo Như: Đúng vậy.

webtretho.com-250.jpg
Cô dâu. Photo courtesy of webtretho.com
Cô dâu. Photo courtesy of webtretho.com
Khánh An: Nó giống như một con sóng rất lớn và nếu như bạn không đủ mạnh thì nó sẽ nhấn chìm cuộc sống, nhấn chìm tương lai hạnh phúc của bạn trên Nước Mỹ; nhưng nếu bạn đủ sức, bạn vượt lên, cưỡi lên con sóng đó thì sao? Bạn có thể đi nhanh hơn, đi xa hơn, phải không? Lúc đó ý chí của bạn sẽ cao hơn, chắc chắn là sẽ cao hơn ngay cả những người coi thường bạn, phải không, vì họ đâu có những cơ hội giống như bạn.

Theo như Khánh An nghĩ thì cách nhìn của Khánh Ngọc là một cách nhìn rất tích cực. Mình biến những cái đó thành những cơ hội, những động lực để vươn lên thì bạn sẽ nắm giữ được hạnh phúc. Phần thắng sẽ thuộc về bạn nhiều hơn, đúng không?

 Khánh Ngọc: Dạ, đúng rồi.

Khánh An: Từ nãy giờ nghe các bạn nói nhiều quá nên hình như Thu Lệ sợ quá mà im luôn rồi? (Tất cả cũng cười vui vẻ).

Thu Lệ: Em nghe các chị nói mà em hết muốn lấy chồng luôn. (Mọi người lại cùng cười). Chắc là em đi tu thôi! Em đi tu luôn cho xong!

Thủy: Quan trọng là em gặp được người thương yêu em thật sự thì người ta có thể vì em mà hy sinh cho em, thì em sẽ được hạnh phúc thôi.

Bảo Như: Qua bên Mỹ hầu như ai cũng chịu đựng hết chớ không có phải là ai qua được là sung sướng, cho nên sự chịu đựng là cái cần thiết phải có rồi.

Thủy: Nhưng mà Thủy nghĩ một phần bây giờ những cô gái Việt Nam vẫn còn muốn qua Mỹ luôn, một phần lý do cũng là vì những người như tụi mình. Giống như mình đi (Mỹ) và mỗi lần về Việt Nam thì mình cũng phải đi mua sắm cái này cái kia để về Việt Nam phải không? Mình ăn mặc cho đẹp thế này thế kia, có tiền tiêu cái này cái kia, cho nên thường người ta chỉ nhìn thấy mình lúc nào cũng ăn mặc đẹp đẽ có tiền xài thế này thế kia nên người ta cứ nghĩ bên đây giống như một cái nơi để mà qua bên đây lượm tiền dễ lắm.

Trước khi mình đi Mỹ mà mình có điều kiện thì mình nên học giỏi Tiếng Anh thì mới qua Mỹ có thể đi làm những công việc ở nhà hàng hay bất cứ công việc gì đó để mình có thể kiếm được một ít tiền để xài cho bản thân.

Bạn Thủy


Khánh An: Và như vậy bây giờ thì chính các bạn thú tội là các bạn cũng là một trong những nguyên nhân mà khiến cho rất nhiều bạn trẻ khác (mơ qua Mỹ).

Thủy: Tại vì mình còn gia đình bên đó cho nên khi mình về thì mình đâu có thể giống như cuộc sống hàng ngày bên đây mà mang về bên đó thì đâu có được. Mình đâu có muốn gia đình mình phải lo lắng hay là buồn phiền.

Khánh Ngọc: Đúng vậy.

Khánh An: Như vậy thì làm sao để giải quyết vấn đề?!  (Mọi người cùng cười).

Thủy: Khánh An với các bạn có công nhận là số người bên này về Việt Nam người ta có tính "nổ" không? Người ta nói khác hơn sự thật.

Khánh Ngọc: Đúng rồi.

Thủy: Mà thường trớ trêu là những người không có gì thì người ta thích phô trương lên còn những người thực sự người ta có ăn học, người ta có công việc ngon lành, ổn định thì người ta lại không nói.

Khánh An: Như vậy thì mình có thể nhìn thấy ở đây là một bí quyết cho các bạn ở Việt Nam không?

Khánh Ngọc: Cũng rất khó để mà nhận biết được đó.

Thủy: Người ta đâu có biết cuộc sống bên này thế nào đâu. Những người ăn học đàng hoàng thì người ta về Việt Nam người ta rất là bình dân thì những cô gái ở Việt Nam lại không ngó tới những người đó.

Hành trang mang theo

Khánh An: Đối với những bạn sắp sửa đi qua bên Mỹ sống thì các bạn có nghĩ rằng là các bạn nên chuẩn bị hành trang gì để có thể thích ứng nhanh với cuộc sống ở đây, cũng như là có thể tìm được công việc làm ở đây?

ngoisao.net-250.jpg
Hình minh họa. Photo courtesy of ngoisao.net
Hình minh họa. Photo courtesy of ngoisao.net
Bảo Như: Mình nghĩ phải là một người tự lập, không dựa gia đình thì qua Mỹ mình cũng cảm thấy nó không có khác biệt. Rồi qua bên đây mình cũng phải có ý định đi làm chứ không nên ở nhà. Mình suy nghĩ như vậy người chồng cũng tôn trọng mình hơn, với lại mình có sự chịu đựng và chịu khó nữa.

Khánh An: Rồi làm sao để mà có thể tìm được công việc làm ở bên này trong những ngày đầu?

Bảo Như: Ở bên đây họ đâu có chấp nhận bằng cấp của mình đâu, ai cũng vậy hết, như những bạn du học cũng vậy, lúc đầu mới qua mình cũng phải bằng cái lao động chân tay là cái cách nhanh nhất để mình kiếm được việc làm, rồi sau đó mình mới nghĩ đến chuyện học, chuyện gì sau nữa.

Khánh An: Còn theo kinh nghiệm của Thủy thì bạn nghĩ là cần những yếu tố nào để mình có thể có được công việc làm ở đất Mỹ?

Thủy: Thủy thì nghĩ là trước khi mình đi Mỹ mà mình có điều kiện thì mình nên học giỏi Tiếng Anh thì mới qua Mỹ có thể đi làm những công việc ở nhà hàng hay bất cứ công việc gì đó để mình có thể kiếm được một ít tiền để xài cho bản thân. Trong thời gian đó, mình vừa đi học được ở trường, mình vừa đi làm thêm để có tiền tiêu và học. Còn nếu mà mình không biết Tiếng Anh thì nên chuẩn bị một nghề gì đó ở Việt Nam sẵn, giống như bên Mỹ thì có thể làm nghề tóc, nghề nail rất là dễ kiếm tiền. Những công việc đó mình có thể làm thêm vào cuối tuần để mình có tiền, có cái để chi phí để trang trải và mình có thể tiếp tục con đường đi học nếu mà mình muốn.

Khánh Ngọc: Theo Khánh Ngọc nghĩ thì làm nghề gì cũng được, khi mà qua tới đây thì sẽ phải dẹp sĩ diện qua một bên, không cần biết là ở bên Việt Nam mình đã kiếm được bao nhiêu tiền một tháng, là con nhà khá giả, lên xe xuống ngựa như thế nào, nhưng mà phải dẹp đi cái tôi, cái tự ái của mình để mà gia nhập cuộc sống mới, chấp nhận làm bất cứ công việc gì có thể làm được mà mình nghĩ là không phạm pháp. Nếu các bạn bên Việt Nam có ý định qua Mỹ mà có một tư tưởng là có thể chịu cực chịu khổ thì "Welcome to America" .

Khánh An: Một lời "welcome" mà nghe đầy tính thử thách, phải không? (Mọi người cùng cười vui vẻ), đầy tính thử thách đối với tất cả các bạn nào mà đang muốn đến Nước Mỹ! Nói tóm lại, tất cả chúng ta ai cũng đều có một ước muốn vươn lên và mình có thực hiện được hay không thì tùy thuộc vào trước tiên là bản thân của mình, phải không? Rõ ràng Nước Mỹ là một đất nước mà người ta nói rằng là nơi biến giấc mơ của bạn thành hiện thực, nhưng mặt trái của nó thì như những gì mà các bạn đã chia sẻ, thì cũng đầy dẫy những điều mà nó có thể nhấn chìm giấc mơ của bạn. Vì vậy, để thành công trên đất Mỹ thì cần rất nhiều nghị lực và sự sáng suốt nữa, cũng như là sức chịu đựng bền bỉ và dẹp bỏ cái tôi, phải không? Hy vọng là những bạn đang có ước muốn sang Mỹ có thể tự rút ra cho mình một kinh nghiệm riêng, một con đường đi riêng, mà ở đó cuối con đường sẽ là hạnh phúc chào đón các bạn.

Một lần nữa cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho chương trình.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.