Ý đồ “định hướng” trong cuộc biểu tình 5/6?

Vì cuộc biểu tình hôm 5/6 và những sự kiện thời sự đặc biệt liên tục diễn ra gần đây, gây căng thẳng trong vấn đề Biển Đông, Khánh An của Đài chúng tôi mở quán Café Wifi sớm hơn thường lệ để trò chuyện với các bạn trẻ đã tham gia biểu tình.

0:00 / 0:00

Mời quý vị nghe sau đây.

Khánh An: Khánh An chào đón tất cả các bạn đến với chương trình Café Wifi. Hôm nay Khánh An mời 3 bạn , trong đó có 2 bạn tham gia vào cuộc biểu tình ngày 5 tháng 6 ở Sài Gòn và 1 bạn ở ngoài Hà Nội.

Trong chương trình hôm nay chúng ta sẽ chia sẻ những phút giây mà mình chứng kiến những điều mà mình thấy được trong cuộc biểu tình ngày 5 tháng 6 vừa rồi.

Đề tài hôm nay khá đặc biệt và vì sự an toàn cho các bạn thì Khánh An nghĩ là các bạn có thể lấy một cái tên nào đó trong chương trình. Chắc là mọi người cũng sẽ hiểu thôi.

Bây giờ thì Khánh An mời người từ Hà Nội trước nhé?

An: Chào tất cả các bạn. Mình là An. Hôm mùng 5 tháng 6 năm 2011 mình có tham gia trực tiếp cuộc tuần hành biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của đất nước Việt Nam. Hiện tại mình đang là nhân viên của một công ty làm việc tại Hà Nội. Và mình cũng là người cách đây 4 năm đã từng tham gia cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc cũng như cuộc tuần hành ngày 5 tháng 6 ở Hà Nội.

Khánh An: Vâng. Khánh An cảm ơn bạn An. Bây giờ Khánh An mời các bạn ở trong Sài Gòn.

Bảo: Mình tên Bảo, đang kinh doanh trong ngành xây dựng và hiện đang ở Sài Gòn.

Thanh: Mình là Thanh, đang là sinh viên ở Sài Gòn.

Khánh An: Vâng. Như Khánh An đã nói từ ban đầu thì ở đây tất cả 3 bạn đều là những người đã tham gia vào các cuộc biểu tình tuần hành xuống đường vào ngày 5 tháng 6 vừa rồi tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, vậy thì các bạn có thể chia sẻ một chút, sau khi tuần hành trở về thì điều gì còn đọng lại nơi bạn nhiều nhất?

Bất ngờ với tinh thần giới trẻ

10.-200.jpg
Một thanh viên VN tại buổi biểu tình. danlambao's blog (Một thanh viên VN tại buổi biểu tình. danlambao's blog)

An: Thực sự ngày hôm đó làm cho cảm xúc và tâm tư của mình như được trẻ lại hồi cách đây 4 năm, vào ngày 16 tháng 12 năm 2007 tại Hà Nội, một cuộc tuần hành mà lòng yêu nước của tất cả những người thanh niên Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung nó trỗi dậy và phản ứng lại sự xâm lấn, sự sỉ nhục đối với đất nước Việt Nam làm cho những con dân Việt Nam như An, Thanh và tất cả các bạn trẻ trong cuộc tuần hành ngày hôm đó đều coi đó là một nghĩa vụ, một trách nhiệm của người con dân Việt Nam phải làm. Và cảm xúc của An khi đó thì thật sự cho đến bây giờ nó vẫn lâng lâng và xúc động.

Khánh An: Không biết là hai bạn ở Sài Gòn có chia sẻ cùng một cảm xúc giống như là bạn An không?

Bảo: Nói chung là hôm đó mình cảm nhận được cái hào khí, cái bức xúc và nói chung là nó tồn tại rất lâu về vấn đề bị áp bức từ bên ngoài lẫn bên trong. Thì hôm đó giống như một cái dịp, mà kể ra từ trước tới nay đúng là một cái dịp, một cơ hội mà rất lâu mới có được để mình thể hiện thái độ, thể hiện được tâm huyết, nhiệt huyết của tuổi trẻ đối với đất nước. Cũng qua đợt biểu tình đó mình cảm thấy sự đoàn kết trong dân tộc mình vẫn tồn tại, và ngọn lửa của tuổi trẻ lúc nào cũng bùng cháy nếu nó có cơ hội để bộc phát.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn Bảo. Thế còn Thanh?

Thanh: Mình thì không có may mắn như là bạn An ở Hà Nội đi tuần hành năm 2007; mình chỉ mới tham gia tuần hành vào ngày 5 tháng 6 vừa rồi thôi. Đây cũng là lần đầu tiên mà mình tham gia vào một cuộc tuần hành với đông người tham gia như vậy đó.

Trái hẳn với những suy nghĩ lúc đầu của mình vì mình nghĩ là sẽ không có nhiều người, không có nhiều bạn trẻ tham gia, nhưng mà thực sự mình rất là bất ngờ trước sự hăng hái, sự năng nổ của các bạn trẻ. Một điều còn đọng lại rất sâu đậm trong lòng mình vào ngày hôm đó, đó là các bạn tụ tập lại rất là đông vui, các bạn thể hiện nỗi bức xúc vốn đã cháy bỏng từ lâu rồi mà mãi cho tới hôm đó mới có dịp bộc phát.

Các bạn đi diễu hành một cách rất ôn hòa, rất là trật tự, và cũng không có những hành động nào đáng tiếc xảy ra. Các bạn đã tự chịu trách nhiệm do ý thức được quyền công dân của mình mà có bổn phận phải lên tiếng. Đó là điều còn đọng lại rất sâu đậm trong thâm tâm mình ngày hôm đó.

Cũng qua đợt biểu tình đó mình cảm thấy sự đoàn kết trong dân tộc mình vẫn tồn tại, và ngọn lửa của tuổi trẻ lúc nào cũng bùng cháy nếu nó có cơ hội để bộc phát.

Bảo<br/>

Khánh An: Như những chia sẻ vừa rồi mà Thanh vừa nói cũng như các bạn vừa chia sẻ trước đó thì có vẻ như là cái điều lâu nay mọi người hay nghĩ rằng giới trẻ Việt Nam thờ ơ với chính trị, thờ ơ với những vấn đề của đất nước. Họ chỉ chăm chú vào những vấn đề của cá nhân, cho bản thân và gia đình mà thôi, thì có vẻ như là suy nghĩ đó bây giờ đã không còn đúng nữa rồi. Các bạn có nghĩ như vậy không?

An: Theo An nghĩ thì cái điều như Khánh An vừa nói thì thực sự rất là đúng đối với thanh niên Việt Nam ngày nay. Hôm mùng 5 tháng 6 vừa rồi An có đi biểu tình, đầu tiên An nghĩ rằng chỉ có những người tầm tầm như An, 27 - 28 tuổi, những người có nhiệt huyết từ hồi 2007, và các bạn sinh viên năm cuối thì các bạn có nhận thức nhiều, các bạn đã có cách tiếp nhận thông tin khác nhau khi ra ngoài xã hội, nhưng mà thực sự An thật bất ngờ vì có rất nhiều bạn trẻ, có bạn là học sinh cấp 3 đang còn trên ghế nhà trường phổ thông, những bạn mà ta gọi thế hệ chữ X, sinh thời 93, 94, 95, 96.

Có những bạn rất trẻ mà An nghĩ rằng đó là điều đáng mừng cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Rồi có những bài báo, những thông tin trên mạng nói rằng giới trẻ Việt Nam bây giờ thế này thế kia, nhưng mà qua cuộc biểu tình vừa rồi nó làm cho An thay đổi rất nhiều các suy nghĩ về các bạn trẻ Việt Nam ngày hôm nay. Các bạn không chỉ có game, không chỉ có đi bar hay là đi quán cà phê, hay là đi làm những chuyện khác, mà các bạn còn có tấm lòng yêu nước rất nhiệt huyết. Và thực sự là An rất là vui mừng, rất là xúc động khi được nói chuyện, được tiếp xúc với các bạn như vậy.

Ý đồ định hướng

protest-against-china-06052011-3-250.jpg
Biểu tình chống Trung Quốc hôm 05/06/2011. Photo courtesy of Danlambao.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn An. Còn Bảo thì sao? Bảo có cái nhìn mới về các bạn thanh niên, sinh viên, giới trẻ của Việt Nam hay không?

Bảo: Nếu mà nhận xét về thanh niên Việt Nam thì nói chung cái nhiệt huyết lúc nào cũng cháy bỏng, nhưng mà qua cái sự việc vừa rồi mình thấy các bạn về cái tầm suy nghĩ sâu về tình trạng thực sự của đất nước thì vẫn còn rất là thiếu sót.

Trong cuộc biểu tình vừa rồi mình nhận thấy các bạn vẫn chưa thoát khỏi cái định hướng do giới lãnh đạo đặt ra nên vẫn còn đi theo, với lại các bạn chưa có đủ nhận thức để mà hiểu được cái nhiệt huyết của mình tới đâu và nó đi theo hướng nào.

Các bạn trẻ vẫn còn bị định hướng bởi những quan điểm của các anh mặc đồng phục hay các lãnh đạo thành đoàn và người ta hướng cuộc biểu tình theo cái đích của người ta mà các bạn vẫn không nhận ra. Các bạn vẫn đi theo nhiệt huyết và tình yêu nước một cách gọi là "ngây thơ", tức là các bạn chưa đủ chín chắn để suy nghĩ thấu đáo trước khi nói gì hay hành động gì cho thỏa đáng với tình yêu đất nước cùa mình.

Khánh An: Như Bảo vừa chia sẻ thì bạn có nói tới vấn đề là các anh ở thành đoàn cũng như là các anh mặc đồng phục họ hướng cuộc biểu tình đi theo hướng của họ.

Bảo: Đúng.

Khánh An: Vậy bạn có thể nêu cụ thể hay nói rõ hơn về vấn đề này không? Họ hướng như thế nào và cách họ hướng theo mục đích của họ là như thế nào?

Cuộc biểu tình hôm đó diễn ra như là một cuộc đi tuần hành tung hô Việt Nam, tung hô Hồ Chí Minh chứ thật ra nó không đi vào trọng tâm là phản đối Trung Quốc.

Bảo<br/>

Bảo: Có nghĩa là họ vẫn để cho cuộc biểu tình hay cuộc tuần hành diễn ra nhưng mà diễn ra theo một cách gọi là họ vẫn sợ đụng chạm trực tiếp tới vấn đề với Trung Quốc. Họ vẫn né tránh những câu đại khái gọi là khẳng định chủ quyền Việt Nam, chớ còn không đá động tới vấn đề phản đối Trung Quốc. Ví dụ những câu khẩu hiệu tại thành đoàn hướng mọi người phải hô theo, đại khái như "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam", hoặc là "Việt Nam, Hồ Chí Minh", đại khái là những câu tung hô đúng chủ ý của Việt Nam, còn ngoài ra người ta sẽ tránh những câu như là "Đả đảo Trung Quốc", "Phản Đối Chính Sách Trung Quốc", đại khái những câu nào đụng chạm tới Trung Quốc.

Rồi trong khi cái hướng biểu tình, cái hướng tuần hành thì họ sẽ hướng mọi người đi ra khỏi khu vực lãnh sự quán Trung Quốc. Họ chỉ muốn mình đi vòng vòng ở ngoài trong các khu phố ở Sài Gòn thôi, còn những con đường đi vào bên trong tới lãnh sự quán Trung Quốc thì đều bị cấm hết. Đó là các bạn luôn luôn bị định hướng đi theo như vậy nếu mà không có những người lái cuộc biểu tình đi theo hướng tập trung vào vấn đề phản đối Trung Quốc. Cuộc biểu tình hôm đó diễn ra như là một cuộc đi tuần hành tung hô Việt Nam, tung hô Hồ Chí Minh chứ thật ra nó không đi vào trọng tâm là phản đối Trung Quốc. Đó, cuộc biểu tình nó diễn ra như vậy.

An: Xin lỗi cho An cắt lời. Nó như một cuộc mít tinh có phải không, anh Bảo?

Bảo: Đúng rồi. Giống như một cuộc mít tinh vậy đó.

Khánh An: Thanh, khi mà Thanh tham gia thì bạn có thấy như thế không? Bạn có thấy có những biểu hiện bất thường ở trong cuộc biểu tình đó không?

Thất bại trước ý thức người biểu tình

protest-against-china-06052011-200.jpg
Thanh niên sinh viên Việt Nam thể hiện quyết tâm bảo vệ tổ quốc.

Thanh: Theo mình nghĩ thì cuộc biểu tình ngày hôm đó vẫn có những khẩu hiệu phản đối Trung Quốc, thế nhưng mà có vẻ như anh Bảo nói là những cán bộ thành đoàn hay là những người nào đó họ cố tình hướng cuộc tuần hành này trở thành một kiểu tung hô thôi chớ nó không có cái gì rõ ràng là chống Trung Quốc. Nhưng mà những người tham gia biểu tình họ ý thức được điều đó, họ vẫn mang theo những khẩu hiệu phản đối Trung Quốc, bày tỏ những bức xúc rất là gay gắt.

Theo mình nghĩ thì cuộc tuần hành này cũng có một số điểm thành công. Nhưng mà từ trước tới nay thì sinh viên thanh niên VN chưa có quen với cách bày tỏ cảm xúc thông qua những cuộc biểu tình như vậy. Thì mình nghĩ là cuộc biểu tình hôm đó cũng phần nào tập cho các bạn làm quen với việc bày tỏ cảm xúc của mình. Như vậy cũng là khá tốt rồi.

Khánh An: Vâng. Có nghĩa là theo bạn thì đó cũng là một thành công lớn trong cuộc tuần hành, là đã giúp cho thanh niên, giới trẻ Việt Nam có được cơ hội tiếp xúc với một hình thức mới để biểu lộ chính kiến của mình là hình thức tuần hành hay biểu tình.

Trở lại với ý kiến của bạn Bảo thì là có những người người ta xen vào để người ta hướng cuộc tuần hành, cuộc biểu tình sang một hướng khác, tránh đụng chạm với Trung Quốc. Thì ở ngoài Miền Bắc có biểu hiện này không vậy An?

An: Mình ở ngoài Bắc thì đa số có những biểu hiện như anh Bảo nói, đó là chỉ hô Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, nhưng mà sau đó được định hướng sang một phương thức khác, đó là họ làm át đi, đó là trong cuộc biểu tình trên đường đi qua trước cửa Đại sứ quán TQ có người hướng dẫn mọi người cùng hô lên bài "Nam quốc sơn hà..." của ông Lý Thường Kiệt.

... nhưng mà họ đã thất bại khi mà trong đoàn tuần hành có những người đứng ra kêu gọi mọi người đi ngược đường trở lại so với chiều đi của xe cộ.

An<br/>

Rồi trên đường đi mọi người có hô "Đả đảo Trung Quốc", "Phản đối Trung Quốc", rồi sau đó thì mọi người đến trước tượng đài Lý Thái Tổ, có đọc bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của danh tướng Lý Thường Kiệt. Trên đường đi có rất nhiều người mà thực sự An nghĩ đó là những người được gửi đi để định hướng cuộc tuần hành đó, nhưng mà họ đã thất bại khi mà trong đoàn tuần hành có những người đứng ra kêu gọi mọi người đi ngược đường trở lại so với chiều đi của xe cộ.

Nhưng mà ở ngoài này những người như An đi trên vỉa hè chứ mọi người không được đi dưới lòng đường có thể làm ách tắc giao thông. Và khi đó thì mọi người đi ngược lại đoạn đường như thế thì những chiếc xe công an đi theo không thể đi theo đoàn tuần hành được. Và mọi người cùng hô những khẩu hiệu rất mạnh mẽ phản đối Trung Quốc như là "đả đảo Trung Quốc", "không được xâm lấn", "đền bù thiệt hại cho Bình Minh". Đó là những câu khẩu hiệu được hô vang ở Hà Nội.

Khánh An: Vừa rồi là bạn An, người đã tham gia cuộc biểu tình tại Hà Nội vào hôm 5 tháng 6. Như quý vị đã biết, chỉ sau khi diễn ra biểu tình vài ngày, tức là hôm 9 tháng 6, tàu Trung Quốc lại tiếp tục cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam. Các bạn trẻ phản ứng ra sao về sự kiện này? Mời quý vị đón nghe trong chương trình Café Wifi kỳ tới.

Theo dòng thời sự: