Vợ một giáo dân Cồn Dầu kể về tình cảnh của chồng trong tù

Tiếp tục theo dõi vụ Cồn Dầu, chúng tôi có cuộc phỏng vấn chị Phương, vợ của anh Minh, một thành viên trong hội Đồng Giáo Xứ Cồn Dầu bị bắt và giam giữ vô cớ từ hơn 3 tháng nay.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010.09.05
Công an, cảnh sát cơ động được huy động đến ngăn cản tang lễ cụ bà Hồ Nhu ở Cồn Dầu, Đà Nẵng hôm 4-5-2010. Công an, cảnh sát cơ động được huy động đến ngăn cản tang lễ cụ bà Hồ Nhu ở Cồn Dầu, Đà Nẵng hôm 4-5-2010.
RFA file Photo

Buổi phỏng vấn do Mặc Lâm thực hiện sau đây.

Mặc Lâm: Thưa bà.chúng tôi nhận được tin công an đã cho phép gia đình những người bị bắt mới đây được phép đi thăm nuôi, bà có gặp ông Minh - chồng bà hay không?

Bà Nguyễn Thị Phương: Dạ, mới gặp ảnh. Ảnh bị nhốt 3 tháng 5 ngày mới gặp được.

Sức khỏe suy yếu, tinh thần sa sút

Mặc Lâm: Thưa, bà nhận thấy sức khỏe của ông Minh ra sao?

Bà Nguyễn Thị Phương: Dạ thấy ảnh sức khỏe yếu và tinh thần ảnh khiếp đảm lắm, anh ơi. Hồi mô đến chừ ở nhà ảnh can đảm lắm mà chừ lên thấy ảnh tinh thần mất mát hết (thở dài). Dạ, thấy ảnh kinh sợ lắm, hỏi cũng không dám nói gì hết, anh ơi. Dạ, ảnh ốm và sa sút nhiều lắm, anh ơi.

Dạ thấy ảnh sức khỏe yếu và tinh thần ảnh khiếp đảm lắm, anh ơi.

Bà Nguyễn Thị Phương

Về tinh thần ảnh không còn cái chi hết trơn, ảnh lo sợ không biết có bị công an đánh đập chi mà ảnh lo sợ quá sức (khóc). Không biết công an có ép cung ảnh không, có bắt ảnh chịu tội này nọ không (khóc). Tinh thần ảnh quá sa sút (khóc). Ảnh không có tội chi mà cũng bị bắt điều tra. Người ta có ép chi ảnh không mà tinh thần sa sút quá (khóc).

Mặc Lâm: Công an có cho biết chừng nào ông Minh sẽ ra tòa không ạ?

Bà Nguyễn Thị Phương: Dạ không. Không nghe nói gì hết. Nó tạm giam, nhốt miết trong đó thôi chớ không nghe nói gì khi nào ra tòa hết.

Không biết bắt vì tội gì

Một người dân tham dự đám tang ở Cồn Dầu bị công an đánh bất tỉnh. RFA
Một người dân tham dự đám tang ở Cồn Dầu bị công an đánh bất tỉnh. RFA
RFA file
Mặc Lâm: Thưa bà, xin được hỏi là sau khi ông nhà bị bắt thì công an có còn thường xuyên tới nhà bà như lúc trước hay không?

Bà Nguyễn Thị Phương: Dạ, thì lúc đó tới chừ thì nói đúng họ cũng ít tới. Lúc mà chồng tôi bị bắt thì chỉ có hai đứa nhỏ ở nhà thôi. Tôi đang ở bệnh viện thì tôi về thì hai đứa cháu nhỏ ở nhà khóc quá nức nở, không có ai hết. Tôi nghĩ là do chồng tôi bị vu oan; không biết tội gì mà bắt chồng tôi đem nhốt, ba tháng mười ngày mới cho gặp mặt.

Mặc Lâm: Gia đình có mời luật sư cho ông Minh hay không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Phương: Dạ, ở nhà cũng có can thiệp mà luật sư thì cũng nói vậy chứ chưa gặp được ảnh.

Mặc Lâm: Bà có thể kể lại việc công an bắt chồng bà như thế nào không ạ?

Bà Nguyễn Thị Phương: Ngày đó tới ngày 21 là ảnh mới có giấy triệu tập. Công an quận triệu tập. Ngày 22 - 23 trúng ngày Thứ Bảy - Chủ Nhật là không triệu tập. Đến ngày 24 là tiếp tục triệu tập ảnh. Đến ngày 25 thì buổi sáng tiếp tục triệu tập thì ảnh hẹn là buổi chiều, 1 giờ rưỡi chiều, vì buổi sáng chở vợ là tôi đây đi khám bịnh tại Bệnh Viện Đa Khoa Đà Nẵng.

Lúc đó tôi đi khám bịnh tại Bệnh Viện Đa Khoa thì tôi không có ở nhà, cả ngày ở tại bệnh viện. Hai đứa con nhỏ ở nhà chúng nó thấy. Ảnh hẹn đúng giờ là 1 giờ rưỡi lên công an phường - quận, thì từ đó có chở ảnh về lại khám xét nhà rồi từ đó bắt ảnh lên đi luôn. Cũng không biết bắt chồng tôi vì lý do gì hết. Cũng không có một cái giấy gì để lại hết. Cũng không biết chi hết.

Mặc Lâm: Xin được phép hỏi bà là hoàn cảnh của bà hiện nay ra sao? Vì ông nhà là trụ cột chính thu nhập cho gia đình, vắng mặt ông nhà chắc là gây thêm khó khăn cho gia đình lắm phải không, thưa bà?

Tôi nghĩ là do chồng tôi bị vu oan; không biết tội gì mà bắt chồng tôi đem nhốt, ba tháng mười ngày mới cho gặp mặt.

Bà Nguyễn Thị Phương

Bà Nguyễn Thị Phương: Dạ, ba đứa con, đứa lớn học lớp 11, đứa thứ nhì học lớp 9, còn đứa nhỏ mới 5 tuổi. Ảnh là lao động chính trong gia đình mà chừ ảnh bị bắt không có ai lo cho gia đình hết. Tôi thì bịnh hoạn nữa, không có lo được (khóc). Ảnh còn cha già 95 tuổi và mẹ già 92 tuổi (khóc); ngày nào mẹ cũng khóc nỗi oan ức cho con quá. Mẹ buồn phiền tới nỗi rụng tóc hết (khóc).

Mặc Lâm: Thưa, bà có thể kể lại sơ qua về việc làm của ông trong nhà thờ trước khi bị bắt hay không?

Bà Nguyễn Thị Phương: Ảnh cũng nằm trong Ban Hội Đồng Giáo Xứ, thì nói đúng ra họ cũng giải tỏa trắng, đưa giáo dân đi xa Nhà Thờ, nhưng mà ở đây bà con, nhứt là những người già không chịu, nhứt thiết là phải ở lại gần Nhà Thờ để sáng lễ chiều kinh.

Ảnh cũng nói với chính quyền, ảnh cũng nói với bí thư thành ủy Đà Nẵng, ảnh nói là không nỡ nào mà con xin trứng cho đá, xin cá cho "bạt cọp", cứ kêu khẩn miết, ảnh coi chính quyền cũng giống như một người cha rứa. Ăn rồi cứ nói giải tỏa trắng đi, không cho giáo dân ở gần Nhà Thờ chi hết.

Mặc Lâm: Theo như lời bà kể thì ông nhà đâu có làm gì sai trái để phải bị bắt như vậy?

Bà Nguyễn Thị Phương: Nói đúng ra là ảnh cũng nằm trong Ban Hội Đồng Giáo Xứ thì lúc mà đi lễ tang cho bà cụ thì lần đầu ảnh nói với gia đình, nói với vợ con ở nhà là "Ba đi tang thôi chớ không đưa tang qua nghĩa địa".

Lúc đó chính quyền nhờ ảnh vì ảnh nằm trong Ban Hội Đồng Giáo Xứ thì chính quyền nhờ anh phải đi để dàn xếp giáo dân. Lúc qua tới nghĩa địa thì có hàng rào chắn của chính quyền thì ảnh nói với bà con dừng lại, đừng có la ré gì cả, để gia đình tang quyến thương lượng với chính quyền. Ngày đó là ngày 4 tháng 5, lúc đó 8 giờ, nhưng mà gia đình họ không chịu yêu cầu của chính quyền. Từ đó ảnh rời khỏi quan tài và ảnh đi ra khu vực khác chớ ảnh không ở đó.

Ba lúc nào về?

Mặc Lâm: Được biết bà có nói là còn người con còn nhỏ lắm vậy thì khi không thấy cha một thời gian lâu như vậy thì các cháu có hỏi han gì về ông nhà hay không?

Bà Nguyễn Thị Phương: Dạ, đau lòng lắm (khóc). Ba đứa nhỏ dại ở nhà thì hai đứa nhỏ nhứt hỏi miết là "Ba lúc nào về? (khóc) Mẹ ơi, Ba lúc nào được về, Mẹ? (khóc).

Tôi quá đau lòng, (khóc) tôi nói lên đây để cho những người yêu công lý, yêu sự thật giúp đỡ cho gia đình (khóc). Gia đình tôi quá oan ức (khóc dữ). Chồng tôi là người lao động chính trong gia đình, từ ngày ảnh bị bắt tới giờ gia đình tôi cô đơn (khóc), ai cũng sợ hết, không muốn nói chuyện với tôi, ai cũng tránh qua hết (khóc), nhứt là ba đứa con tôi ngày đêm cứ nhớ Ba mà khóc, bỏ học hành, không chịu ăn uống, đổ bịnh. Ngày nào cũng hỏi "Ba lúc nào về, Mẹ ơi!" (tiếp tục khóc).

Mặc Lâm: Thưa, xin cám ơn bà.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.