LS Nguyễn Văn Đài trả lời phỏng vấn RFA ngay sau khi ra tù

Lên tiếng trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do ngay sau khi ra khỏi nhà tù, luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định ông không vi phạm luật pháp Việt Nam”.
Việt Hùng, thông tín viên RFA
2011.03.06
nguyen-van-dai-le-thi-cong-nhan-305.jpg Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân tại phiên toà ở Hà Nội 11-5-2007.
AFP Photo/Frank Zeller

Do đâu mà luật sư Nguyễn Văn Đài nói như vậy? Trong câu chuyện dành cho Việt Hùng của Ban Việt Ngữ, từ Hà Nội, luật sư Nguyễn Văn Đài phát biểu.

LS Nguyễn Văn Đài: Sáng sớm ngày hôm nay, (05-03-2011) lúc 6 giờ, Bộ Công an đã cử người xuống trại giam Nam Hà để đón và đưa tôi về đến phường Bách Khoa, Hà Nội lúc 7: 30 AM để làm thủ tục tiếp tục quản chế tôi 4 năm theo như bản án (mà tòa đã y án trong phúc thẩm ngày 27-11-2007 với 4 năm tù giam và 4 năm quản chế tại địa phương) và tôi trở về nhà vào lúc 8 giờ sáng nay theo giờ Hà Nội. Từ lúc trở về đến nay, cảm xúc của tôi ngập tràn vui mừng vì sau 4 năm xa cách gia đình nay được trở về. Cảm tưởng lúc này, thưa rất khó tả…

Việt Hùng: Tình trạng sức khỏe lúc này của luật sư như thế nào?

LS Nguyễn Văn Đài: Trong 4 năm tôi bị cầm tù, chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là thời gian tạm giam 9 tháng, điều kiện sống lúc đó rất khắc nghiệt, vì điều kiện ăn uống, nước, cho đến tất cả mọi thứ…đều rất khắc nghiệt khiến sức khỏe của tôi lúc đó rất yếu và đồng thời tôi lại bị bệnh nữa nên gặp rất nhiều trở ngại. Họ có cho gia đình tôi gửi thuốc vào nhưng đó chỉ là thuốc dùng khi sức khỏe của mình tốt thôi, nhưng nếu sức khỏe của mình không tốt thì cũng không có hiệu quả nhiều.

Giai đoạn thứ hai là họ đưa tôi xuống trại giam Nam Hà, khi xuống đó thì điều kiện sinh hoạt có đỡ hơn, sức khỏe của tôi dần phục hồi trở lại. Trong trại giam, tôi luyện tập sức khỏe nên cho đến nay sức khỏe của tôi cũng khá lên nhiều. Trong những ngày ở trại giam, khi tôi có nhu cầu về y tế thì họ cũng cho mình khám bệnh và cấp thuốc cho tôi.

Chỗ dựa tinh thần

cong-giao-250.jpg
Các tín đồ Công giáo đang cầu nguyện bên ngoài tòa án Hà Nội xử những người bất đồng quan điểm về Tôn Giáo. AFP Photo/Ian Timberlake.
Việt Hùng: Điều gì đã làm luật sư có thể giữ được…

LS Nguyễn Văn Đài: Vâng, trước hết là tôi có một hậu phương, đó là người vợ của tôi đã luôn động viên về tinh thần và đã giúp đỡ cho tôi rất nhiều. Điều thứ hai là mình luôn đặt niềm tin vào con đường mình đã lựa chọn là đúng, chính nghĩa, chứ không phải làm vì lợi ích cá nhân mà mình làm vì lợi ích chung cho đất nước, cho xã hội. Và điều thứ ba, tôi được sống chung với tất cả anh em ở Tây Nguyên, họ cũng bị buộc vào những tội như tôi. Họ là những người cũng có tư tưởng đấu tranh như tôi và điều quan trọng là họ có cùng niềm tin vào Đức Chúa Trời như tôi, cho nên suốt trong thời gian đó tôi sống cùng với họ, chia sẻ lời Chúa cùng với họ, cho nên những năm tháng vừa qua đối với tôi cũng vui vẻ và chan hòa cùng những người anh em của tôi ở Tây Nguyên.

Việt Hùng: Ý luật sư muốn nói tới những người bạn tù sắc tộc thiểu số ở cao nguyên Trung Phần?

LS Nguyễn Văn Đài: Vâng, họ là những người thuộc dân tộc Ba-na, Ê-đê, Gia-rai và H`mông. Họ bị bắt khi tham gia những cuộc biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo, tự do dân chủ và quyền về đất đai. Họ bị bắt vào những năm 2001 và 2004. Sau đó chính quyền có bắt thêm một số người nữa vào những năm từ 2006 – 2008.

Việt Hùng: Trong số những người sắc tộc ở vùng cao nguyên Trung Phần mà luật sư vừa đề cập đến, theo chỗ chúng tôi ghi nhận, phần đông trong số họ là những người theo đạo Tin Lành?

LS Nguyễn Văn Đài: Chỉ có một vài người theo đạo Công Giáo còn đa phần là theo đạo Tin Lành.

Việt Hùng: Số bị bắt đó theo ước chừng của luật sư khoảng bao nhiêu người?

Điều thứ hai là mình luôn đặt niềm tin vào con đường mình đã lựa chọn là đúng, chính nghĩa, chứ không phải làm vì lợi ích cá nhân mà mình làm vì lợi ích chung cho đất nước, cho xã hội.

LS Nguyễn Văn Đài

LS Nguyễn Văn Đài: Lúc tôi mới đến thì tại trại giam Nam Hà có 4 phòng giam, riêng phân trại 1 của tôi có 3 phòng giam. Lúc tôi vào thì có khoảng gần 200 người (từ Tây Nguyên). Bên phân trại C có 1 phòng giam, lúc đó có khoảng hơn 40 người. Tính cho đến thời điểm tôi được về thì còn khoảng 81 người bị giam ở phòng 1, 2 và 6. Còn bên khu C còn bao nhiêu thì tôi không rõ. Đó là những người án rất nặng, thường là từ 10 năm trở lên.

Việt Hùng: Theo luật sư ghi nhận, án từ 10 năm trở lên thường là bị buộc vào những “tội” gì?

LS Nguyễn Văn Đài: Có 3 “tội” mà thường họ mắc phải. Nhiều nhất là bị buộc vào tội phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Tội thứ hai là tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền và tội thứ ba là tội phá rối an ninh. Có những người bị kết án cả 3 tội, có người bị kết án 2 tội, người thì 1 tội…

Việt Hùng: …tức là ngày mà luật sư vào trại có khoảng 250 người sắc tộc thiểu số từ cao nguyên Trung Phần bị bắt giam? Hiện bây giờ còn khoảng hơn 80 người?

LS Nguyễn Văn Đài: Nếu tính cả khu C nữa thì hiện nay còn khoảng hơn 100 người.

Tôi không vi phạm luật pháp Việt Nam

Việt Hùng: Theo chỗ chúng tôi ghi nhận, trong thời gian luật sư thụ án ở trong tù, không ít lần các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ đã vào trại thăm luật sư? Những tin tức mà chúng tôi ghi nhận, thực hư như thế nào…

LS Nguyễn Văn Đài: Vâng, trong thời gian tôi bị bắt, tạm giam ở Hà Nội, vào tháng 10-2007, có được phái đoàn của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế vào thăm. Sau đó, sau phiên xử phúc thẩm (27-11-2007) tôi được chuyển xuống trại giam Nam Hà thì ông Michael Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam có vào thăm tôi vào tháng 10-2008.

...bởi vì tôi là một luật sư nên những việc mình đã làm thì mình đều vận dụng sự hiểu biết pháp luật của mình để tin rằng những điều mình làm không vi phạm pháp luật ...

LS Nguyễn Văn Đài

Sau đó vào tháng 4 năm 2009 phái đoàn Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế có vào trại thăm tôi lần thứ hai. Cuối năm đó (2009) có phái đoàn của Bộ Ngoại giao Úc có đến thăm tôi. Và gần đây nhất có phái đoàn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đại diện Văn phòng Tổng Thống Hoa Kỳ có tới thăm tôi tại trại giam Nam Hà vào tháng 10-2010 vừa qua.

Việt Hùng: Theo chỗ chúng tôi ghi nhận, không ít lần cơ quan an ninh đã làm việc với luật sư ở trong trại, có ý muốn luật sư nhận phần “lỗi” về mình thì luật sư có thể được phóng thích sớm hơn so với đúng 4 năm, thời hạn của bản án…

LS Nguyễn Văn Đài: Vâng, ngay từ khi tôi mới đến trại giam Nam Hà, có nhiều lần cơ quan an ninh và kể cả cán bộ ở trại khuyên tôi nên nhận tội thì sẽ được thả tự do sớm. Và bên an ninh Bộ Công an cũng nhiều lần xuống, bằng cách nào đó…thuyết phục tôi nhận tội thì họ sẽ trả tự do cho tôi sớm hơn bình thường, chỉ có thể khoảng 2 năm thôi...

Thế nhưng, bởi vì tôi là một luật sư nên những việc mình đã làm thì mình đều vận dụng sự hiểu biết pháp luật của mình để tin rằng những điều mình làm không vi phạm pháp luật mà mình làm chỉ với mong muốn của bản thân cũng như khát vọng tự do dân chủ chung của tất cả người dân tại Việt Nam. Không bao giờ mình coi những việc làm tốt đó là có tội cả, cho nên tôi không thể nào nhận tội được! Điều đó khiến tôi phải ở trại giam Nam Hà cho đúng đến hết 4 năm. Tôi không được giảm án ngày nào và cũng không được đặc xá.

Việt Hùng: Tức là luật sư phải chịu đúng 4 năm tù theo bản án và cho đến bây giờ dù mãn hạn tù nhưng luật sư phải chịu thêm 4 năm quản chế tại địa phương?

Thêm 4 năm quản chế

NguyenVanDai200.jpg
LS Nguyễn Văn Đài
LS Nguyễn Văn Đài: Buổi sáng hôm nay trước khi họ đưa tôi về với gia đình, họ đã đưa tôi ra phường Bách Khoa, Hà Nội, làm thủ tục 4 năm quản chế tiếp theo. Theo như họ nói thì thời gian 4 năm quản chế tới đây sẽ không dễ chịu chút nào, sẽ rất khắc nghiệt. Nói chung trong những năm tháng tiếp theo sẽ là những năm tháng khó khăn trong việc đi lại của tôi.

Việt Hùng: Vừa rồi luật sư có nói, những việc mà luật sư đã làm trước đây là hoàn toàn đúng…

LS Nguyễn Văn Đài: Bởi vì quá trình dân chủ hóa của một quốc gia là một quá trình tự nhiên chứ không phải là sự lựa chọn hay áp đặt. Mình thấy rõ ràng là Việt Nam phải đi đến quá trình dân chủ hóa đấy để mà mình tin vào con đường mình đã chọn là con đường chính nghĩa. Cho nên khi mình đã có niềm tin vào đó rồi thì mình cho rằng mình đúng và luôn giữ đúng niềm tin ấy chứ không có gì để mà thay đổi cả. Bởi vì khát vọng của bản thân tôi, tôi biết rằng, đa số người dân Việt Nam đều mong muốn có dân chủ, chỉ có điều họ có bày tỏ ra hay không mà thôi. Theo tôi bất kỳ một người dân đều khao khát tự do dân chủ.

Cảm ơn

Việt Hùng: Trước khi chia tay quý vị thính giả của Đài RFA, luật sư có điều gì muốn chia sẻ?

LS Nguyễn Văn Đài: Trước khi chia tay quý thính giả, qua Đài Á Châu Tự Do tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả chính phủ các nước, trong đó có chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Úc đã gửi phái đoàn đến thăm tôi khi tôi còn ở trong trại giam. Tôi xim cảm ơn tất cả các Tổ chức bảo vệ Nhân quyền Quốc tế đã lên tiếng bênh vực cho tôi trong suốt những năm tháng vừa qua khi lên tiếng kêu gọi, yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho tôi.

Tôi cũng xin bày tỏ sự cảm ơn tới tất cả quý vị thính giả đã quan tâm đến trường hợp của tôi trong những năm qua. Điều đó đã khích lệ tôi, động viên cho tôi giữ vững được niềm tin vào con đường mà mình đã lựa chọn. Xin cám ơn tất cả quý vị.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.