Chúc Tết nông dân

Chuyên gia nông nghiệp nói gì với nông dân khi đất nước vào Xuân. Nam Nguyên ghi nhận một số thông tin liên quan tới tình hình sản xuất và chiều hướng giá lúa đang làm nông dân kém vui.

0:00 / 0:00

TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhà khoa học gần gũi với đồng ruộng và nông dân phát biểu từ Cần Thơ:

“Người trồng lúa còn nhiều vất vả, đặc biệt do biến đổi khí hậu ảnh hưởng sâu bệnh trong sản xuất, vật tư nông nghiệp tăng trong khi giá lúa bấp bênh, do đó có nhiều khó khăn cho bà con nông dân.

Chúng tôi hy vọng trong năm mới, Việt Nam với ban lãnh đạo mới có cách để giúp đỡ bà con nông dân phát triển tốt, làm sao phát triển tốt chính sách tam nông, nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Nông nghiệp phát triển thì nông thôn cũng phải được cải thiện, đời sống bà con nông dân phải tốt hơn.”

Cần chính sách cho người trồng lúa

Nhổ mạ trên cánh đồng lúa vùng ĐBS Cửu Long
Nhổ mạ trên cánh đồng lúa vùng ĐBS Cửu Long. AFP photo (AFP photo)

Chủ trương phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn đã được đề ra từ khá lâu nhưng việc thực hiện có vẻ chưa được rõ nét và chưa mang lại kết quả một cách cụ thể. TS Lê Văn Bảnh tiếp lời:

“Muốn làm tốt thì phải có chính sách tốt đối với nông nghiệp nông dân nông thôn đặc biệt là chính sách cho người trồng lúa. Theo qui định mới diện tích đất lúa không thể chuyển đổi làm chuyện khác, như vậy người trồng lúa là phải tiếp tục mãi, trong khi lúa gạo là mặt hàng chính trị hơn là kinh tế, muốn làm giàu từ lúa rất khó.

Do vậy cần có chính sách riêng cho người trồng lúa, để công việc của họ có hiệu quả tốt hơn. Điều cần thiết là hỗ trợ cách thức thế nào đó để liên kết vùng, liên kết 4 nhà để bà con nông dân có sự phối hợp chặt chẽ, có mặt hàng với hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có sự đầu tư của các doanh nghiệp, để bà con nông dân an tâm sản xuất, cũng như làm sao để tăng chuỗi giá trị hạt gạo và chia lợi nhuận chuỗi giá trị gia tăng này một cách đồng đều phù hợp công sức bà con nông dân.”

Chúng tôi hy vọng trong năm mới, Việt Nam với ban lãnh đạo mới có cách để giúp đỡ bà con nông dân phát triển tốt, làm sao phát triển tốt chính sách tam nông, nông nghiệp-nông dân-nông thôn.

TS Lê Văn Bảnh

Hiện nay Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn ấn định giá sàn gạo xuất khẩu, tức giá tối thiểu được phép đăng ký hợp đồng là khá cao. Các hợp đồng giao hàng trong tháng 2 đối với gạo 5% không dưới 520 USD/tấn và gạo 25% tấm không dưới 498 USD/tấn. Doanh giới mô tả mức giá sàn này là một biện pháp hạn chế xuất khẩu, có thể giải thích là để doanh nghiệp phải ký hợp đồng giá cao mà cũng có thể để khống chế giá lúa gạo trong nước ở một mức độ nhất định.

Vụ đông xuân 2010-2011 vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích canh tác gần 1,6 triệu héc-ta sẽ thu hoạch rộ sau Tết cho đến hết tháng Ba, nhưng hiện nay ở nhiều nơi người dân làm đông xuân sớm và tranh thủ cắt lúa trước 30 Tết. Một nông dân than phiền về chiều hướng bị ép giá:

“28 Tết lúa khô hạt dài còn có 5.100đ/kg, nếu giá lúa xuống thấp hơn 5.000đ thì người nông dân không được lời 30%. Chắc tôi giữ lại qua Tết khoảng 20 ngày hoặc lâu hơn nữa để chờ giá tốt. Mọi năm gần Tết thương lái thường ép giá. Hình như chưa ký nhiều hợp đồng xuất khẩu, thương lái đi mua ít lắm.

Nông dân ai cũng hy vọng qua Tết giá lúa sẽ lên lại, xem TV nói vậy. Mình cũng biết chính phủ muốn khống chế giá, nên chờ một thời gian nữa xem sao.”

farm-children-250.jpg
2 em bé và con trâu ở vùng nông thôn miền Bắc. Hình chụp hôm 09/07/2005 bởi Tyler Chapman/RFA.

Nếu như nông dân đồng bằng sông Cửu Long nhiều nơi lúa đông xuân đang bị chuột phá hoại, thiếu nước canh tác và phải chi phí nhiều cho thuốc bảo vệ thực vật, thì miền Bắc nông dân khốn đốn hơn nhiều. Đến 29 Tết đã có hơn bốn vạn trâu bò bị chết rét ở các tỉnh thượng du, Cục trưởng Cục chăn nuôi Hoàng Kim Giao phát biểu:

“Năm nào cũng có mùa đông, đã có đề phòng trước nhưng năm nay rét quá lại có mưa kéo dài, thời gian rét đậm rét hại sâu hơn mọi năm. Các tỉnh tùy theo điều kiện hỗ trợ che chắn chuồng trại, tập trung thức ăn cho thật nhiều, chú trọng các hộ nghèo.”

Ở miền Bắc canh tác vụ lúa đông xuân và hoa màu vụ đông không thuận lợi vì thời tiết xấu. Theo thông tin ghi nhận toàn miền Bắc đã gieo cấy khoảng 90 ngàn héc ta lúa đông xuân, nhưng tình trạng rét đậm rét hại và thiếu nước tưới đã ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây mạ. Nông dân có thể phải lao động ngay trong ngày Tết, tận dụng bơm nước để cứu vãn tình hình.

Theo dòng thời sự: