Chùa Thiền Phước - điểm giao thoa văn hóa
2010.03.11
Chùa Việt
Nếu không nghe tiếng tụng kinh hoặc không nhìn bảng hiệu nghi tên bằng tiếng Việt là chùa Thiền Phước, thì du khách khó có thể nhận ra đây là ngôi chùa Việt Nam ở Campuchia.
Chùa Thiền Phước, tọa lạc tại quận Toulkok, ngay giữa thủ đô Phnom Penh của Campuchia, là một trong số ít ỏi cơ sở thờ tự của Việt Kiều Campuchia được tạo dựng sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, và quyền tự do tín ngưỡng được phục hồi.
So với các cơ sở tôn giáo khác của người Việt, chùa Thiền Phước có nét độc đáo là được xây dựng kết hợp 2 lối kiến trúc có nền tảng từ 2 nền văn minh thường hay xung khắc trong quá khứ cũng như hiện tại, đó là văn minh Trung Hoa và Ấn Độ.
Bà con phật tử ở đây cho biết chùa Thiền Phước được xây dựng vào năm 1983, do cố Hòa thượng Thích Thiện Tùng đứng ra đảm nhiệm và là người chủ trương sử dụng lối kiến trúc của nước sở tại pha với kiến trúc chùa Việt Nam truyền thống, sao cho phù hợp với thuật xử thế “Nhập giang tùy khúc”.
Hòa thượng Thích Thiện Tùng đã viên tịch cách đây khoảng 3 năm. Vị sư trụ trì đời thứ hai của ngôi chùa là Hòa thượng Thích Thiện Hòa. Trong chùa hiện chỉ có 2 vị sư và 2 phật tử đang làm công quả.
Ông Lê Văn Thành đang làm công quả trong chùa cho biết ý nguyện của Hòa thượng Thích Thiện Tùng khi bắt đầu xây đựng ngôi chùa là do “mình ở đất nước Campuchia. Ông thầy tôi là người sinh đẻ ở Campuchia, quê ở Pursat . Ông làm kiểu Campuchia có, kiểu Tàu có, kiểu Việt Nam có, để ngày sau có chuyện gì người ta không đập bỏ.”
Nhìn bề ngoài, trên nét cong cong của mái ngói kiểu chùa Việt Nam, có tượng rồng đúc bằng xi măng thân ngắn kiểu Việt Nam, Trung Hoa và có cả thân dài khiểu Campuchia và Ấn Độ. Có hoa văn của triều đại Angkor bao quanh ngọn tháp và chim thần Gruda trong truyền thuyết Ấn Độ giáo xòe cánh như đang nâng đỡ dưới mái hiên.
Văn hóa Việt
Bên trong chánh điện, có vẽ hình sự tích đức Phật trên vách tường bao quanh và tượng Phật tổ Như Lai được đặc ngay chính giữ như hầu hết ngôi chùa Khmer theo hệ phái Nam Tông. Nhưng bên cạnh có cả các chư vị Bồ Tát, A La Hán của hệ phái Bắc Tông như trong các ngôi chùa ở Việt Nam, và phía trước chánh điện có hình bà Chúa Xứ bên Châu Đốc, v.v..
Một phật tử khác, xin giấu tên cho biết mặc dù lối kiến trúc và trang trí pha tạp này được lòng người bản xứ và lãnh đạo Phật giáo nước sở tại, nhưng lại gặp rắc rối với Hội Việt kiều. Theo ông, Hội Việt kiều lúc ấy trực thuộc cơ quan an ninh của Việt Nam, mà người dân quen với cái tên là A50.
Lúc đầu họ khó chấp nhận một ngôi chùa Việt Nam giống Miên như thế này, nhưng dần dần cũng quen. Ông nói: “A50 thì tôi biết rành. Nó không cho xây dựng chùa chiền Việt Nam có hình đức Phật và sự tích đức Phật như thế này. Rồi ông thầy tôi đi thưa lên ông Vua Sãi (Tăng Hoàng) và ông đó ủng hộ chùa này.”
Hiện chùa Thiền Phước, ngoài cơ sở tôn giáo qui tụ hàng trăm Phật tử đủ mọi sắc tộc đến sinh hoạt, còn là địa chỉ du lịch giới thiệu được một phần văn hóa Việt Nam.
Theo dòng thời sự:
- Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế muốn đưa VN vào CPC
- Người Việt Houston hiệp thông cầu nguyện cho Đồng Chiêm
- Quyền tự do tín ngưỡng và dân chủ theo kiểu Việt Nam
- Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo lại bị cản trở hành đạo
- Có hay không chuyện chính quyền thuê côn đồ tấn công tăng ni?
- Thiền sư Nhất Hạnh kêu gọi tách biệt tôn giáo và chính trị