Quốc tế chỉ trích Việt Nam kết án tù các bloggers

Ngay sau khi phiên xử dành cho ba blogger Câu lạc Nhà báo Tự do kết thúc, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và các tổ chức quốc tế đồng loạt lên án về bản án mà họ cho là quá nặng nề.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.09.24
000_Hkg7852836-305.jpg Lực lượng an ninh trước Tòa án Nhân dân TPHCM sáng 24/9/2012, nơi đang diễn ra phiên xử 3 blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon
AFP photo

Những bản án nặng nề

Phiên tòa diễn ra chóng vánh nhưng dư luận dành cho các bản án lại không tan đi nhanh chóng. Bản án phiên sơ thẩm mà Tòa án Nhân dân Tp.HCM đưa ra cho ba blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải, 60 tuổi); Tạ Phong Tần (44 tuổi), AnhbaSG (LS Phan Thanh Hải, 43 tuổi) lần lượt là 12 năm tù giam, 10 năm tù giam và 4 năm tù giam. Đây được đánh giá là một trong những bản án nặng cho các nhân vật đấu tranh dân chủ và cho giới blogger. Trao đổi với đài RFA sau khi phiên tòa kết thúc, ông Phil Robertson, phó GĐ khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW – New York) gọi đây là bản án “kinh khủng”:

"Rõ ràng đây là điều kinh khủng, nó đi ngược lại trách nhiệm của chính phủ về quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận. Nó chỉ rõ là Việt Nam không thực hiện những cam kết về quyền con người theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Tại phiên tòa hôm 24 tháng 9, blogger Điếu Cày và Tạ Phong Tần không nhận những việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Ông Phil Robertson đồng ý với tuyên bố này; nhấn mạnh rằng các blogger trên bị đối xử quá khắt khe và lẽ ra chính phủ không nên bắt những người này vì họ không có tội:

“Nếu mà những blogger này làm những điều tương tự như vậy ở Hoa Kỳ thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Sẽ có người đọc blog của họ hoặc không đọc blog của họ hoặc là phê bình… sẽ chẳng có gì lớn lao cả. Chính phủ Việt Nam cho rằng những gì họ viết trên blog là đe dọa an ninh quốc gia thì cách suy nghĩ đó rất hoang tưởng”.

Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội có thông cáo báo chí lên án phiên tòa ngay sau khi bản án được tuyên. Còn các tổ chức bênh vực nhân quyền và báo chí như tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF - Paris), Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ - New York), Ân xá Quốc tế (AI - New York) cũng nhanh chóng đồng loạt chỉ trích bản án cho thấy phiên tòa thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nhấn mạnh rằng những gì mà Điếu Cày làm chỉ đơn giản là thể hiện quan điểm công dân một cách ôn hòa. Theo đó, thông cáo này không quên kêu gọi Việt Nam thực hiện những nguyên tắc trong Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị cũng như Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền mà Việt Nam đã thông qua.

Rõ ràng đây là điều kinh khủng, nó đi ngược lại trách nhiệm của chính phủ về quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận.

Ông Phil Robertson

Thông cáo báo chí của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, và Ân xá Quốc tế đánh đi từ New York đều gọi phiên tòa hôm thứ Hai là “đáng xấu hổ”, nhấn mạnh rằng bản án của ba thành viên CLB Nhà báo Tự do là “kinh khủng” và “phi công lý”. Ông Shawn Crispin, đại diện cao cấp Châu Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả - CPJ cho rằng bản án này một lần nữa gởi thông điệp mạnh mẽ đến các blogger tư do:

“Bản án hôm nay dĩ nhiên là nhằm gởi ra một thông điệp mạnh mẽ cho các blogger khác. Nhưng mà chính phủ từ lâu cũng đã gởi ra thông điệp này. Theo ghi nhận của chúng tôi có 14 nhà báo Việt Nam bị cầm tù trong đó có 13 người là dân viết blog”.

Phiên tòa xử blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSG diễn ra sau nhiều lần bị trì hoãn. Cả ba blogger trên bị xử theo điều 88 BLHS Việt Nam – “truyên truyền chống Nhà nước”. Bản cáo trạng cho biết từ tháng 9 năm 2007, trang web CLB Nhà báo Tự do đã đăng tổng cộng 412 bài viết. Bản cáo trạng cũng nêu rằng tất cả những bài viết của bà Tạ Phong Tần (khoảng 90 bài) và LS Phan Thanh Hải (khoảng 20 bài) “đều có nội dung chống Nhà nước”.

Quốc tế lên án

Blogger Điếu Cày tại phiên tòa sơ thẩm sáng 24/9/2012. Photo by Nguyễn Lân Thắng
Blogger Điếu Cày tại phiên tòa sơ thẩm sáng 24/9/2012. Photo by Nguyễn Lân Thắng
Blogger Điếu Cày tại phiên tòa sơ thẩm sáng 24/9/2012. Photo by Nguyễn Lân Thắng
Tại phiên tòa, cả blogger Điếu Cày và Tạ Phong Tần đều bác bỏ cáo buộc vi phạm pháp luật Việt Nam, nhấn mạnh rằng họ chỉ thực hiện quyền con người. Bản án trên 10 năm tù giam dành cho những cây bút tự do mặc dù không phải là hình phạt nặng nhất trong khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù giam của điều 88 BLHSVN nhưng nó đủ gây bất mãn cho các cơ quan bênh vực cho nhân quyền và các chính phủ dân chủ. Ông Shawn Crispin nhấn mạnh:

“Họ ra một bản án nặng nề cho thấy sự đàn áp trên diện rộng về vấn đề tự do internet. Chúng tôi mạnh mẽ lên án bản án và quan ngại về đàn áp tự do báo chí đang diễn ra tại Việt Nam.

Trường hợp ba blogger này thu hút sự quan tâm của thế giới quá nhiều. Tổng thống Hoa Kỳ từng lên tiếng về Điếu Cày. Việc này cho thấy chế độ đang cầm quyền rất sợ hãi và cho thấy hành động đàn áp này đi ngược lại chính sách của nhiều quốc gia”.

CLB Nhà báo Tự do là một trong những trang web tiên phong tại Việt Nam trong việc đăng tải những bài viết không chịu sự quản lý của Nhà nước và ĐCSVN. Trong suốt 4 năm qua, cộng đồng quốc tế nhiều lần lên tiếng quan ngại về trường hợp blogger Điếu Cày nói riêng và tình trạng tự do báo chí nói chung tại Việt Nam. Các tổ chức quốc tế cũng đã nhiều lần yêu cầu trả tự do các blogger của CLB Nhà báo Tự do.

Họ ra một bản án nặng nề cho thấy sự đàn áp trên diện rộng về vấn đề tự do internet. Chúng tôi mạnh mẽ lên án bản án và quan ngại về đàn áp tự do báo chí đang diễn ra tại Việt Nam.

Ông Shawn Crispin

Tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” và “âm mưu lật đổ chế độ” (theo điều 88 và 79) là hai tội danh bị quốc tế lên án nhiều nhất trong BLHS Việt Nam với lý do đây là những điều “mù mờ” và được dùng để đàn áp các tiếng nói đối lập.

Blogger Điếu Cày hiện nay 60 tuổi, được biết đến với vai trò sáng lập viên CLB Nhà báo Tự do. Trước đó, ông đã bị bắt với cáo buộc “trốn thuế” – một bản án cũng từng bị chỉ trích rất mạnh mẽ. Sau khi mãn hạn tù, cả ba blogger sẽ chịu từ 3-5 năm quản chế. Hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng nhắc tên Điếu Cày trong ngày Tự do Báo chí Thế giới như một trường hợp mà quốc tế không nên bỏ quên.

Sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đều kêu gọi trả tự do cho các blogger trên, chú ý rằng Việt Nam nên thực hiện những cam kết của mình với quốc tế. Ủy ban Bảo vệ Ký Giả khẳng định bản án là một bằng chứng nữa nói lên “nhược điểm” của chính phủ. Ông Shawn Crispin khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và kêu gọi quốc tế hành động đối với tình trạng thiếu tự do báo chí tại Việt Nam.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.