Vòng lẩn quẩn của thực thi tín ngưỡng
2012.01.01
Một trong những trường hợp mới được ghi nhận thuộc Liên đoàn Truyền giáo Phúc Âm Việt Nam. Gia Minh trình bày trong phần sau.
Trong dịp lễ mừng Chúa Giáng Sinh vừa qua, ngoài giáo điểm truyền giáo của hội thánh Mennonite ở Bình Dương với việc truy bức các mục sư và tín hữu tại đó khiến mục sự Phạm Ngọc Thạch tuyên bố nếu chính quyền không dừng tay lại thì ông sẽ tự thiêu làm hiến lễ; các tín hữu và mục sư tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Dương cũng bị bắt bớ, đánh đập, phạt tiền như trình bày của thầy truyền đạo Ngô Hùng, một người trong cuộc sau đây:
Tại đêm 26 chúng tôi cùng một số mục sư tổ chức mừng Chúa Giáng Sinh thì chừng 30 công an đến bắt chúng tôi về đồn công an, đập phá nhà ông Mục sư Thạch Túc.
Thầy truyền đạo Ngô Hùng
“Tại đêm 26 chúng tôi cùng một số mục sư tổ chức mừng Chúa Giáng Sinh thì chừng 30 công an đến bắt chúng tôi về đồn công an, đập phá nhà ông Mục sư Thạch Túc.
Khi vào bắt chúng tôi họ bịt mặt, nhưng có một số người chúng tôi do đã biết nên chúng tôi nhận diện được. Họ giữ chúng tôi tại đồn công an Tân Phước cho đến chiều hôm sau mới thả chúng tôi ra, sau khi ép chúng tôi ký vào biên bản về việc vi phạm cư trú.
Khi điều tra họ chủ yếu xoay quanh vấn đề tôn giáo, họ tuyên bố xóa điểm nhóm do ông Mục sư Thạch Túc đảm nhiệm. Họ dùng những lời lẽ xấc xược xúc phạm đến Chúa của chúng tôi. Khi bắt chúng tôi lên xe họ nói ‘tao là Chúa này, mày kêu Chúa mày cứu mày đi’. Chúng tôi làm thinh họ nói tiếp ‘tao là Chúa, tao không cứu mày thì không Chúa nào cứu mày hết’. Có người bị chích điện, còng tay bằng còng số 8 và quăng lên xe như con vật. Chúng tôi rất bức xúc về điều này.”
Bắt đăng ký nhưng không cấp phép
Theo Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo của Việt Nam ban hành hồi năm 2004 thì các hội thánh Tin Lành phải đăng ký để được công nhận tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, trong thực tế theo các hội thánh cho biết khi đến đăng ký với cơ quan chức năng thì họ cho rằng hội thánh chưa đủ thời gian hoạt động nên không thể cấp phép. Vì chưa có phép nên mỗi khi các tín hữu nhóm họp đều bị cơ quan chức năng địa phương đến làm khó dễ, sách nhiễu cho đến phạt vạ hay trấn áp. Điều này được chính các tín hữu cho là một vòng lẩn quẩn, vì niềm tin của họ là một nhu cầu thực tế và họ đang thực hành niềm tin đó trong cuộc sống hằng ngày.
Mục sư Thạch Túc, người dân tộc Khmer, phụ trách hội thánh Liên đoàn Truyền giáo Phúc Âm Việt Nam tại xã Tân Phước cho biết điểm nhóm của ông phụ trách hình thành từ năm 1992 nhưng chính quyền địa phương không cho phép, dù vậy bản thân ông và các tín hữu vẫn duy trì niềm tin của họ đến nay trong sự bắt bớ của chính quyền địa phương:
“Họ bắt bớ dữ dội lắm, đến nay vẫn chưa dứt. Họ nói không có Chúa, và nói phải có tư cách pháp nhân mới cho phép ‘làm’.”
Không chỉ ở cấp địa phương như trình bày của mục sư Thạch Túc vừa rồi, mà ở cấp tổng hội ở thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp trở ngại tương tự trong vấn đề đăng ký, cũng như sách nhiễu dù rằng việc ngăn trở ở ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh không mạnh tay như ở các địa phương. Mục sư Trần Mai, phụ trách tổng hội Liên đoàn Truyền giáo Phúc Âm Việt Nam trình bày tình trạng của hội thánh ông đảm nhiệm trong thời gian qua:
Tôi đã đăng ký theo yêu cầu của chính phủ, nộp các hồ sơ theo yêu cầu tại Ban Tôn giáo Chính Phủ, Mặt trận Tổ quốc từ năm 2000. Nộp hồ sơ mà không nghe chính phủ nói gì.
Mục sư Trần Mai
“Tôi đã đăng ký theo yêu cầu của chính phủ, nộp các hồ sơ theo yêu cầu tại Ban Tôn giáo Chính Phủ, Mặt trận Tổ quốc từ năm 2000. Nộp hồ sơ mà không nghe chính phủ nói gì, nhưng trong thời gian đó nơi nào có hội thánh chúng tôi đều bị khủng bố như ở Điện Biên, An Đồn ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi. Ngay tại Hồ Tùng Mậu này họ cũng đến đòi đóng cửa. Giữa năm 2011, Ban tôn giáo Thành phố cũng kêu lên nhắc chúng tôi đăng ký- xin phép, tôi nói đã đăng lý lâu rồi.
Chuyện bắt bớ khủng bố Tin Lành của chính phủ chỉ thay đổi hình thức chứ không cấm dứt.”
Một công an mà theo các tín hữu Tin Lành Liên đoàn Truyền giáo Phúc Âm Việt Nam tại Xã Tân Phước, Bình Phước cho biết phụ trách khu vực của họ, nhưng khi chúng tôi gọi điện đến thì từ chối nói đã thôi công tác đó. Tuy nhiên ông này cũng bác bỏ điều mà các tín hữu nói họ bị bắt bớ, đánh đập, phạt tiền, xúc phạm và bị đe dọa không được tiếp tục sinh hoạt tôn giáo của họ:
“Tôi nghỉ từ năm 2006 rồi. Chính quyền địa phương không ai ngăn chặn nhóm đạo cả.
Tôi không nắm về việc đánh đập. Tôi trước có làm công an mà nay nghỉ rồi.”
Trình bày của thầy truyền đạo Ngô Hùng về những lời nói của các công an tại tỉnh Bình Phước hôm tối 26 tháng 12 vừa rồi, làm những người có đọc kinh thánh của Thiên Chúa giáo nhớ lại câu chuyện của hơn 2000 năm trước, khi Chúa Giêsu bị người Do Thái treo trên Thập Tự Giá đã kêu với Chúa Cha trong lúc tột cùng đau đớn ‘sao Chúa bỏ con’. Khi đó một số người nói ngay rằng hãy xem Chúa Cha có đến cứu người đang bị họ treo trên cây Thập Tự Giá hay không.
Vừa qua, theo lời của thầy truyền đạo Ngô Hùng, thì công an các cấp trong khi dùng vũ lực bắt đưa các mục sư và tín hữu tại xã Tân Phước lên xe đã tự xưng một cách ngạo mạn ‘chúng tao là Chúa đây, không có Chúa nào cứu tụi bây đâu’. Lịch sử nhân lọai cho thấy niềm tin tôn giáo không thể nào bị tẩy sạch, khi càng bị bách hại nặng nề nhất đó là lúc niềm tin trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.