18 năm tù vì đánh bom tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam

Chủ mưu vụ đặt bom tượng đài hữu nghị Cambodia-Việt Nam bị gọi án 18 năm tù trong phiên tòa sáng thứ tư tại Phnom Penh.
Quốc Việt, phóng viên RFA
2010.09.22
Bên ngoài phiên tòa xử kẻ đặt bom Tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam tại Thủ đô Phnom Penh, ảnh chụp hôm 22/09/2010. Bên ngoài phiên tòa xử kẻ đặt bom Tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam tại Thủ đô Phnom Penh, ảnh chụp hôm 22/09/2010.
RFA PHOTO/ Quốc Việt

Trước đây 5 người Khmer Krom bị coi là tòng phạm trong vụ này đã bị kết án từ 5 tới 7 năm tù. Mời quý vị theo dõi bài tường trình của Quốc Việt, thông tín viên của đài Á Châu Tự Do tại Phnom Penh. 

Thẩm phán của Tòa án sơ thẩm Thủ đô Phnom Penh tuyên bố kết án 18 năm tù đối với ông Som Ek, 44 tuổi là thủ phạm đặt bom đánh phá tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam giữa Thủ đô Phnom Penh hôm 29 tháng 7 năm 2007.

Bị cáo không chấp nhận

Bản án này rất bất công đối với Som Ek chính vì không có tang chứng để cáo buộc họ có liên quan đến hành động đánh phá này, ngoài những gì mà phiên tòa nêu lên trước đây.

Ông Im Socheat

Thẩm phán sơ thẩm Sos Sam Ath, công bố bản án sáng ngày 22 tháng 9 rằng, Som Ek có quê quán ở tỉnh Kampong Cham là chủ mưu trong vụ đặt bom đánh phá tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam, từng tham gia trong phong trào du kích chống Việt Nam, và cũng từng là thành viên tích cực trong lực lượng vũ trang chống chính phủ Campuchia có tên là Lực lượng Campuchia tự do hay còn gọi CFF. Thẩm phán sơ thẩm tuyên án 18 năm tù cho bị cáo Som Ek, tuy nhiên bị cáo này  chỉ phải bị tù 16 năm 6 tháng sau khi trừ khoảng thời gian bị bắt tạm giam từ trước đến nay.

Sau khi thẩm phán tuyên bố bản án, Som Ek cho rằng phán quyết của Tòa rất bất công, ông không thể chấp nhận được. Bị cáo Som Ek nói trong phiên tòa rằng, trưởng nhà tù Tuol Sleng Kaing Guek Eav hay Duch trong thời Khmer đỏ đã giết hết 14.000, nhưng Tòa án xử Khmer đỏ chỉ kết án 19 năm tù giam; còn ông không giết người phải kết án 18 năm tù. Som Ek khẳng định, ông sẽ kháng án lên Tòa phúc thẩm.

Ông Im Socheat, luật sư của bị cáo Som Ek cho giới báo chí biết sau khi Tòa án kết thúc, bản án này rất bất công. Ông nói: “Không thể chấp nhận được. Tôi sẽ kháng án lên Tòa phúc thẩm. Bản án này rất bất công đối với Som Ek chính vì không có tang chứng để cáo buộc họ có liên quan đến hành động đánh phá này, ngoài những gì mà phiên tòa nêu lên trước đây.”

Tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam tại Thủ đô Phnom Penh hôm 22/09/2010. RFA PHOTO/ Quốc Việt.
Tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam tại Thủ đô Phnom Penh hôm 22/09/2010. RFA PHOTO/ Quốc Việt.
Công an thủ đô Phnom Penh bắt bị cáo Som Ek vào ngày 6 tháng giêng năm 2010, sau khi họ nghi nghờ rằng Som Ek có liên quan đến vụ đặt 3 quả bom đánh phá tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam trong ngày 29 tháng 7 năm 2007 nhưng không thành công.

Bị cáo Som Ek, đã từng nói trong phiên tòa rằng, ông sáng lập Mặt trận Hòa hợp Dân tộc nhằm thành lập một đảng phái chính trị tới đây để hoạt động chống chính phủ đảng Nhân dân Campuchia vì ông cho rằng chính phủ này tham nhũng và là tay sai của Việt Nam.

Phát ngôn viên Tổng cục Công an Quốc gia Campuchia Keat Chanh Tha Rith cho Đài Á Châu tự do biết rằng, Công an đã điều tra vụ án này một cách chu đáo trước khi chuyển vụ án này lên Tòa. Ông còn cho biết thêm, “người làm như vậy vì không muốn cho đất nước phát triển. Hành động họ làm như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng đất nước.”

Cũng liên quan vụ án này, trước đây đã có 5 người Khmer gốc Khmer ở miền Nam Việt Nam bị bắt vào năm 2007, sau đó bị Tòa án xử với mức án từ 5 năm đến 7 năm tù giam.

Bộ Nội Vụ Campuchia cho rằng những người Khmer Krom ấy thuộc tổ chức Mặt trận giải phóng Kampuchia Krom, tức miền Nam Việt Nam, và họ đặt bom đánh phá tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam theo lệnh ông Thạch Sang, thạch Chanh, Thach Bun Thươne, và ông Kim Huốt là người sáng lập tổ chức này ở Mỹ, tuy nhiên ông Thạch Sang phản bác rằng tổ chức ông đã giải thể từ lâu.

Còn thẩm phán của Tòa án sơ thẩm thủ đô Phnom Penh cũng khẳng định rằng, vụ án đặt bom đánh phá tượng đài hữu nghị này không liên quan đến nhóm người Khmer Krom ở Mỹ, vì Tòa án không có tang chứng.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.