Vụ Vedan: Khi chính quyền gây sức ép với dân
2010.09.10
Chịu nhiều sức ép
Vụ khởi kiện riêng lẻ của Nông dân Nguyễn Lam Sơn ở Nhơn Trạch Đồng Nai tạo sự chú ý trong công luận. Nông dân này đòi Vedan bồi thường 502 triệu đồng thiệt hại kinh tế do nguồn nước sông Thị Vải bị ô nhiễm. Mức thiệt hại vừa nêu cao gấp hai lần so với đánh giá bình quân của Viện Tài Nguyên Môi Trường, vốn được cho là quá ít so với thiệt hại thực tế về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của 5.000 nông dân Đồng Nai.
Tối 9/9 từ Saigon Luật Sư Nguyễn Vân Nam phát biểu với chúng tôi về quyết định rút đơn kiện của thân chủ ông:
Chính quyền các ấp xã huyện cũng đến vận động và đưa cả thân phụ anh Sơn đến nhà anh ấy nữa. Nhưng điều quan trọng nhất, nếu chính quyền nói mà không nghe thì sau này khó sống lắm.
LS Nguyễn Vân Nam
“Theo những gì anh Sơn kể thì phải thông cảm với anh ấy thôi. Anh ấy chịu nhiều sức ép lắm, về mặt đạo lý người ta nói rằng, tất cả mấy nghìn hộ chỉ còn chờ một mình anh ấy ký để có nhận được tiền bồi thường. Chính quyền các ấp xã huyện cũng đến vận động và đưa cả thân phụ anh Sơn đến nhà anh ấy nữa. Nhưng điều quan trọng nhất, nếu chính quyền nói mà không nghe thì sau này khó sống lắm. Cho nên phải rút đơn thôi, tôi thấy chuyện này cũng là bình thường. Anh Lam Sơn mà rút thì cũng còn một người nữa, tôi tin là chính quyền đã ra tay vận động thì không ai có thể không nghe được, bởi vì cái vị thế của chính quyền đối với người dân ở đây nó khác lắm, sau cùng sẽ nhận bồi thường rút đơn kiện hết”
Một ngày trước khi đến gặp luật sư để xin rút đơn kiện, nông dân Nguyễn Lam Sơn trình bày với chúng tôi lý do vì sao từ chỗ rất cương quyết khởi kiện Vedan mà nay anh lại đột ngột xin rút đơn:
“Nói thật với anh bây giờ em dừng không phải vì tiền nhiều tiền ít, em không có quan trọng tới vụ tiền nữa, chứ luật sư của em ông cương quyết đòi cho em đủ 500 triệu. Em dừng thứ nhất là vì tình cảm bà con thôi, thứ hai là vì tình cảm với chính quyền địa phương, tại vì người ta đến nhà mình người ta vận động mình thì hỏi làm sao mà mình không dừng được!”
Hầu như chính quyền với quyền lực của mình đã hóa giải hết các trường hợp nông dân không chấp nhận thỏa thuận đòi kiện tới cùng. Tuy nhiên chưa có thông tin về một trường hợp đặc biệt, Công Ty Viễn Đông chuyên nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Thành vẫn không bỏ ý định kiện Vedan. Theo trang mạng Đất Việt, Công Ty Viễn Đông đòi Vedan bồi thường 16 tỷ thiệt hại kinh tế, công ty này không chấp nhận nằm trong danh sách chung của gói bồi thường 120 tỷ. Huyện Long Thành đã báo cáo lên Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai về vấn đề này.
Đem con bỏ chợ
Thật ra cho tới ngày ký thỏa thuận nhận gói bồi thường 119,5 tỷ của Vedan, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng như
Hội Nông Dân chưa có câu trả lời mà nông dân trông đợi. Đó là áp giá bồi thường như thế nào, vấn đề người nông dân bức xúc nhất chính là chuyện mình sẽ nhận được bao nhiêu trong cả gói bồi thường gần 120 tỷ của Vedan. Nông dân Nguyễn Lam Sơn phát biểu:
Luật sư Đồng Nai rất là tệ, lúc đầu nhận ủy quyền cho dân để nạp đơn kiện, tới chừng mấy ổng rút ủy quyền ra, đem con bỏ chợ dân làm sao thưa kiện được nữa.
Ô. Nguyễn Lam Sơn
“Tới giờ này, em hỏi nhưng mấy anh chưa trả lời được câu đó. Mấy anh chỉ biết Phước An của Đồng Nai được 82 tỷ tiền Việt Nam trong 120 tỷ. Long Thọ được 7 tỷ, còn 30 tỷ còn lại của Long Phước và Phước Thái. Mấy ảnh nói em nằm trong khoản 82 tỷ đó, bà con sao thì em vậy. Hiện bây giờ hoàn toàn chưa biết em được bao nhiêu, lúc trước em chần chờ hỏi mỗi một khẩu được bao nhiêu tiền, mấy anh nói thực tế chưa tính ra được một héc-ta bồi thường bao nhiêu tiền để tính với em. Mấy anh nói, nếu em không chịu rút đơn kiện qua ngày 12/9 Vedan nó không rót tiền vô thì lấy đâu tiền đưa cho dân. Hơn nữa luật sư Đồng Nai rất là tệ, lúc đầu nhận ủy quyền cho dân để nạp đơn kiện, tới chừng mấy ổng rút ủy quyền ra, đem con bỏ chợ dân làm sao thưa kiện được nữa, chỉ có em tự mình đi kiện là có luật sư riêng thôi, còn mấy người kia làm tập thể làm cho có, khi luật sư rút họ đành chịu rút thôi, nói xin lỗi nhiều người dân còn không biết ký tên chỉ ấn dấu (điểm chỉ tay) làm sao không rút.”
Ông Trần Văn Quang, Phó chủ tịch Hội Nông Dân Đồng Nai cho biết công tác áp giá đền bù cho nông dân Long Thành và Nhơn Trạch bị thiệt hại vì Vedan gây ô nhiễm môi trường sẽ được gấp rút tiến hành:
“Việc này giao cho Sở Nông Nghiệp áp giá, cố gắng làm nhanh nhưng không biết chừng nào xong. Chúng tôi đã có nghị quyết, ngày 10/9 Hội Nông Dân họp với Vedan để ký kết thỏa thuận bồi thường.”
Theo nguồn tin địa phương sau khi hai bên ký thỏa thuận về gói bồi thường 119,5 tỷ theo đánh giá thiệt hại của Viện Tài Nguyên Môi Trường, Vedan sẽ chuyển tiền cho Hội Nông Dân địa phương làm hai đợt tương tự như đã bồi thường nông dân TPHCM và Bà Rịa Vũng Tàu. Vedan ràng buộc điều kiện khi ký thỏa thuận và chuyển tiền bồi thường, nếu vẫn còn đơn kiện Vedan ra tòa thì “Tỉnh Đồng Nai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không phải Vedan”. Đây là lý do về việc tại sao chính quyền địa phương phải gây sức ép lớn lao đối với trường hợp Nguyễn Lam Sơn.
Bỏ ngỏ tác hại lâu dài
Vào thời gian vụ kiện Vedan của anh Nguyễn Lam Sơn chưa được hủy bỏ, khi trả lời chúng tôi Luật sư Nguyễn Vân Nam nói rằng, qua vụ kiện ông và thân chủ có thể cảnh báo công luận về tác hại nghiêm trọng và lâu dài đối với môi trường sống ở lưu vực sông Thị Vải. Nay đã có quyết định rút đơn kiện, LS Nguyễn Vân Nam phát biểu:
“Trên khía cạnh đại diện anh Lam Sơn tôi không còn cơ hội để trình bày trước tòa, nhưng theo tôi biết đang có rất nhiều người khác cũng chú ý đến vấn đề ô nhiễm này, ô nhiễm mặt đất lòng đất họ sẽ tiếp tục điều tra và đưa ra công luận. Ở những vùng bị thiệt hại nông dân đã chỉ cho một số người về dấu hiệu ô nhiễm đất, bây giờ phải có ngừơi điều tra. Chuyện này nhiều người biết không chỉ riêng tôi.”
Đối với Vedan, công ty này muốn khép lại một thời kỳ nghiệt ngã, việc phải chấp nhận đền bù tổng cộng 220 tỷ đồng tương đương 11 triệu USD cho TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai là một chọn lựa đau đớn cho công ty. LS Hoàng Như Vĩnh đại diện pháp lý của Vedan phát biểu với chúng tôi:
“Chúng tôi đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải hết sức tốn kém để đảm bảo theo qui định bảo vệ môi trường về xả thải của Việt Nam. Chúng tôi đang quan tâm một cách bền vững về quyền lợi của người dân coi như đối tác của Vedan. Chúng tôi có kế hoạch tăng thêm quĩ phúc lợi từ thiện ở những khu vực chịu ảnh hưởng trước đây của Vedan.”
Phải mất 2 năm thương lượng cò kè trả giá, Công ty bột ngọt Vedan mới chịu chấp nhận bồi thường 100% theo đánh giá thiệt hại kinh tế lưu vực sông Thị Vải của Viện Tài Nguyên Môi Trường. Có lẽ 220 tỷ đồng chưa phải là giá trị của một dòng sông, khi mà các cơ quan chức năng của Việt Nam mới chỉ điều tra về ô nhiễm nguồn nước và những thiệt hại kinh tế cụ thể. Ô nhiễm môi trường sống ở lưu vực sông Thị Vải, gây ảnh hưởng nguy hại và lâu dài về sức khỏe cộng đồng là vấn đề hoàn toàn bị bỏ ngỏ.
Theo dòng thời sự:
- Anh Nguyễn Lam Sơn vẫn quyết kiện Vedan
- Ai không thỏa thuận vẫn có thể kiện Vedan
- Dân sẽ nhận tiền Vedan nhanh và đủ
- Người dân thật sự tẩy chay sản phẩm Vedan?
- Bài toán Vedan đã được giải?
- Vedan sẽ bồi thường 120 tỷ đồng với điều kiện không khởi kiện
- Cty Vedan đã đồng ý bồi thường 100% thiệt hại
- Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ kiện Vedan vì gây ô nhiễm
- Vedan đề nghị thương lượng thay vì tranh tụng ở tòa án
- Đề nghị mới của Vedan vẫn chưa đủ hấp dẫn
- Vedan nâng mức bồi thường thiệt hại lên 130 tỷ đồng