Vedan từ chối mọi phát sinh ngoài thỏa thuận

Nông dân Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM đã rút đơn kiện Vedan, Tỉnh Đồng Nai vẫn dậm chân tại chỗ và Vedan khẳng định bác bỏ mọi phát sinh ngoài thỏa thuận.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010.08.20
Tổng giám đốc Vedan Việt Nam Yang Kun Hsiang đang trả lời báo chí hôm 18/08/2010. Tổng giám đốc Vedan Việt Nam Yang Kun Hsiang đang trả lời báo chí hôm 18/08/2010.
Photo courtesy of VietNamNet

Vedan bảo vệ quan điểm

Trả lời chúng tôi về sự kiện tòa án thụ lý đơn kiện của nông dân Nguyễn Lam Sơn ở Nhơn Trạch Đồng Nai đòi đền bù thiệt hại cao hơn mức đánh giá của Viện Tài Nguyên Môi Trường, Luật sư Hoàng Như Vĩnh, đại diện pháp lý của Công Ty Vedan Việt Nam nói rằng Vedan sẽ bảo vệ quan điểm tới tận cùng:

Chúng tôi có văn bản không đồng ý đơn kiện của ông đó, vì cho rằng không có cơ sở, việc xác nhận của Ủy Ban Nhân Dân Xã chỉ là xác nhận việc ông ấy có nuôi trồng chứ không phải xác nhận có thiệt hại.

LS Hoàng Như Vĩnh

“Chúng tôi có văn bản không đồng ý đơn kiện của ông đó, vì cho rằng không có cơ sở, việc xác nhận của Ủy Ban Nhân Dân Xã chỉ là xác nhận việc ông ấy có nuôi trồng chứ không phải xác nhận có thiệt hại. Những thống kê cuả ông ta không có cơ sở về khoa học và pháp lý. Tất nhiên ra tòa thì tòa án cấp nào có thẩm quyền thì phải chấp hành, giả dụ tòa sơ thẩm xét xử không đúng không có cơ sở pháp lý thì Vedan còn có quyền kháng án.”

Qua cuộc tiếp xúc với chúng tôi, nông dân Nguyễn Lam Sơn 38 tuổi có vợ và 1 con 9 tuổi cư ngụ ở Ấp Bà Trường Xã Phước An Huyện Nhơn Trạch cho biết, đã ủy quyền Luật Sư Nguyễn Văn Nam, khởi kiện Vedan đòi bồi thường 502 triệu đồng thiệt hại kinh tế do nguồn nuớc sông Thị Vải bị ô nhiễm. Diện tích nuôi trồng thủy sản của nông dân Nguyễn Lam Sơn nằm trong vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng, theo đánh giá của Viện Tài Nguyên Môi Trường. Anh Sơn cho biết tự tính toán sự thiệt hại căn cứ trên thu nhập:  

“Tự tính, em biết vì làm mười mấy năm rồi, hồi đó em nuôi trồng mua đất be bờ làm đập lấy nước ngoài sông vô đánh bắt hứng như miền Tây họ làm đập đìa…lúc ô nhiễm ít thì thu nhập còn khá sau nó nặng thêm thu nhập giảm dần giảm dần, cái đó theo cách tính toán thu nhập của mình. Em kiện là vì họ nói nơi thiệt hại nặng nhất 26 triệu một mẫu, lấy mốc 35 triệu một mẫu theo Viện Môi Trường thiệt hại 77% tương đương 26 triệu một mẫu. Còn thiệt hại của em từ 60-70 triệu một mẫu. Trước mắt là thấy ít quá, em đi kiện là để đòi bồi thường thêm thiệt hại cho em, còn khoản 120 tỷ là quyền của bà con.” 

Nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm thủ tục liên quan vụ Vedan, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of VietNamNet.
Nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm thủ tục liên quan vụ Vedan, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of VietNamNet.
Báo Thanh Niên Online ngày 18/8 đưa tin, ông Bùi Cách Tuyến Tổng Cục trưởng Môi Trường yêu cầu Tỉnh Đồng Nai giải thích vì sao đã gởi văn bản đòi Vedan bồi thường gần 120 tỷ đồng, đến khi Vedan chấp thuận đền bù 100% theo đòi hỏi, thì lại chưa chấp nhận và chỉ đạo lấy ý kiến 5.000 hộ dân để quyết định khởi kiện Vedan hay không.

Theo VnExpress, người dân Đồng Nai không chấp nhận con số gần 120 tỷ bồi thường thiệt hại như Viện Tài Nguyên Môi Trường đề nghị. Hội Luật Gia cho biết tính đến hết ngày 18/8 đã có 4.000 hồ sơ khởi kiện Vedan được tòa án tiếp nhận. 

Trả lời chúng tôi vào tối 19/8, ông Trần Văn Quang Phó Chủ Tịch Hội Nông Dân Đồng Nai phát biểu:

Em kiện là vì họ nói nơi thiệt hại nặng nhất 26 triệu một mẫu, lấy mốc 35 triệu một mẫu theo Viện Môi Trường thiệt hại 77% tương đương 26 triệu một mẫu. Còn thiệt hại của em từ 60-70 triệu một mẫu.

Ô. Nguyễn Lam Sơn

“Quyền quyết định là của người bị thiệt hại chứ Hội Nông Dân không quyết định được. Không trễ đâu bởi vì chúng tôi còn tới 20 ngày nữa mà. Theo chương trình dự kiến Thứ Hai (22/8) chúng tôi họp với các ngành để có kế hoạch đi xuống dân. Chúng tôi sẽ trình bày tất cả công việc đã làm từ trước tới nay, việc Vedan đồng ý yêu cầu bồi thường thiệt hại cho dân theo đánh giá của Viện Tài Nguyên Môi Trường, sau đó hỏi ý kiến dân đồng ý hay không đồng ý nhận số tiền này. Nếu dân đồng ý thì chúng tôi làm thủ tục nhận, còn nếu không đồng ý thì hỏi dân muốn như thế nào, dân cho biết thì chúng tôi trao đổi với công ty Vedan.”

Khép lại quá khứ

Đối với TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu câu chuyện vác chiếu ra tòa đã chấm dứt, các đại diện pháp lý của nông dân bắt đầu rút đơn khởi kiện, ngay sau khi Vedan thực hiện các cam kết theo thỏa thuận. Theo báo chí, ngày 18/8 Ông Nguyễn Văn Phụng Chủ Tịch Hội Nông Dân TPHCM xác nhận Vedan đã chuyển 22 tỷ 874 triệu đồng bồi thường đợt 1 vào tài khoản Hội Nông Dân Huyện Cần Giờ và 500 triệu chi phí điều tra thống kê cho các cơ quan chức năng TP.HCM. Đồng thời Vedan cũng chuyển chứng thư bảo lãnh của Ngân Hàng Bangkok cho Hội Nông Dân về việc chi trả 50% còn lại vào tháng 1 sang năm.

Cùng ngày Vedan cũng thực hiện mọi cam kết tương tự với nông dân Bà Rịa Vũng Tàu. Ủy Ban Nhân Dân Huyện Tân Thành đã nhận qua ngân hàng 26,8 tỷ bồi thường đợt 1 cho 1.255 hộ dân và 500 triệu chi phí xác minh thống kê thiệt hại. Vedan cũng trao chứng thư bảo lãnh của Ngân Hàng Bangkok về việc trả 50% tiền bồi thường đợt 2 chậm nhất ngày 24/1 sang năm cho tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tổng giám đốc Vedan Việt Nam Yang Kun Hsiang tại một cuộc họp báo hối 07/2010. Photo courtesy of VietNamNet.
Tổng giám đốc Vedan Việt Nam Yang Kun Hsiang tại một cuộc họp báo hồi 07/2010. Photo courtesy of VietNamNet.
Vấn đề hiện nay của nông dân Bà Rịa Vũng Tàu và Cần Giờ TP.HCM là chờ đợi lịch chi trả tiền bồi thường đang được sắp xếp. LS Nguyễn Văn Hậu, đại diện ủy quyền của nông dân Cần Giờ phát biểu với chúng tôi tối 18/8:

“Đối với Huyện Cần Giờ có đảo Thạnh An, từ đây ra đó rất xa, có lẽ phải chia làm nhiều đợt từng thôn từng ấp một, nhưng sẽ bảo đảm làm sao tiền sẽ đến tận tay từng người nông dân. Số 839 hộ nông dân này nằm ở ngoài đảo, có thể phải chia thành nhiều đợt theo tổ hợp tác mà người nông dân tham gia, hoặc trao tận tay hộ nông dân. Tuần sau chúng tôi sẽ đến Huyện Cần Giờ để bàn cụ thể vấn đề này. Là đại diện ủy quyền của nông dân chúng tôi cùng Hội Nông Dân thành phố sẽ làm việc với chính quyền và đoàn thể Huyện Cần Giờ, để làm  sao giám sát việc tiền tới tận tay người nông dân mà không bị sứt mẻ một đồng nào.”

Luật sư Hoàng Như Vĩnh đại diện pháp lý của Vedan sau khi thực hiện nội dung cam kết với nông dân TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu đã phát biểu với chúng tôi:

“Chúng tôi sẽ coi quá khứ đó là bài học kinh nghiệm của những nhà sản xuất kinh  doanh, một bài học kinh nghiệm nữa là thái độ trách nhiệm  xã hội  đối với người dân và xã hội chung quanh. Nói chung Vedan rút kinh nghiệm một cách sâu sắc nhất cho những hành vi trước đây và hướng về tương lai làm sao sản xuất một cách bền vững trong đó có vấn đề  tôn trọng môi trường.”           

Luật sư Hoàng Như Vĩnh cùng bày tỏ tin tưởng là sau cùng sẽ đạt thỏa thuận với Đồng Nai tương tự như TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu, để giải quyết ổn thỏa thiệt hại kinh tế của người dân. Tuy nhiên người đại diện pháp lý của Vedan không quên nhấn mạnh, việc bồi thường 220 tỷ tương đương 11 triệu USD cho ba tỉnh thành là một lựa chọn đau đớn cho Vedan.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.