“Quần chúng tự phát” – Hình thức đàn áp mới?

Một loại hình đàn áp tôn giáo mới xuất hiện những năm gần đây là hình thức “quần chúng tự phát” và những phân biệt đối xử thường xảy ra với những người theo tôn giáo.
Khánh An, phóng viên RFA
2011.12.27
giao-xu-thai-ha-03nov2011-305.jpg Chiều ngày 03/11/201, lúc 14h30, một đám côn đồ đã kéo vào Nhà thờ Thái Hà phá phách, gây rối trật tự, uy hiếp Dòng tu.
Courtesy Nuvuongcongly

Kỳ trước, quý vị đã nghe các bạn Hùng, một giáo dân Công Giáo ở Hà Nội, Tiến – một học viên Pháp Luân Công, Hiếu – một tín hữu Tin Lành ở Sài Gòn và thầy Chơn Minh, một tu sĩ Phật Giáo đến từ Cà Mau nhận định về những hình thức đàn áp tôn giáo hiện nay tại ở Việt Nam.

Trong kỳ cuối này, mời quý vị tiếp tục theo dõi các vị khách mời trên kể nói về một loại hình đàn áp tôn giáo mới xuất hiện những năm gần đây là hình thức “quần chúng tự phát” và những phân biệt đối xử thường xảy ra với những người theo tôn giáo.

Phân biệt đối xử

Bây giờ, mời quý vị theo dõi tiếp ý kiến hôm trước của thầy Chơn Minh:

Có thể họ âm mưu mượn tay giáo gian để xóa tên những giáo hội truyền thống, hoặc họ mượn con người ở trong tôn giáo, họ tha hóa những con người đó.

Thầy Chơn Minh

Thầy Chơn Minh: …Và bên cạnh đó họ xây dựng cả một chiến lược để mà đánh phá tôn giáo. Rõ ràng có điều đó. Có thể họ âm mưu mượn tay giáo gian để xóa tên những giáo hội truyền thống, hoặc họ mượn con người ở trong tôn giáo, họ tha hóa những con người đó đứng lên ly khai tôn giáo để rồi làm mất đoàn kết tôn giáo, để rồi (quảng bá hình ảnh tốt đẹp về tự do tôn giáo) qua những người ít quan tâm tới vấn đề tôn giáo và những người du khách về. Chứ tại sao lại có những người quan tâm tới tôn giáo, thí dụ như ông các đại sứ hoặc những người của các ủy hội nhân quyền quốc tế, của Ủy hội Tôn giáo Hoa Kỳ họ qua Việt Nam, họ quan tâm tới vấn đề tôn giáo và họ luôn gặp trắc trở trong vấn đề thăm những vị chức sắc đang nằm trong gọng kiềm của chính quyền. Còn người bình thường thì có bao giờ quan tâm tới những người đó đâu thì làm sao họ biết được. Đó, cái bản chất của người cộng sản là như thế.

Khánh An: Vâng. Chúng ta đang nói đến những cách thức, các loại hình, công cụ cũng như chiến lược mà Đảng CSVN và Nhà Nước Việt Nam đang sử dụng trong việc đàn  áp tôn giáo. Bên cạnh những điều mà thầy Chơn Minh vừa phân tích, tập trung rất nhiều vào chiến lược gây chia rẽ từ bên trọng nội bộ của các tôn giáo. Thế còn có loại hình mà mới gần đây thường xuyên xuất hiện trong rất nhiều những sự kiện tôn giáo, đó là loại hình “quần chúng tự phát”. Mọi người nghĩ như thế nào về cách thức người ta sử dụng “quần chúng”? Có phải chăng loại “quần chúng” này có bàn tay đằng sau điều khiển họ? Hay sự thật đó là một nhóm người dân thường và họ cảm thấy bức xúc trước những tình trạng xảy ra nên họ đứng lên chống đối?

Thầy Chơn Minh: Thực ra “quần chúng tự phát” thì (cười) cũng là họ thôi, cũng là đảng viên hết chớ đâu phải là người ngoài đâu, ít nhất thì cũng cỡ 10 tuổi đảng, 20 tuổi đảng, 30 tuổi đảng, 40 tuổi đảng. Hầu như đa số họ là cựu chiến binh và những người đã từng làm việc trong chính quyền như hội phụ nữ, đoàn thanh niên cộng sản này kia nọ đó. Thật sự “quần chúng tự phát” đa số là những người đó. Tại sao họ phải làm việc đó? Vì họ có quyền lợi.

thaiha12022011c-305.jpg
Công an cùng côn đồ xông vào bắt Giáo dân Thái Hà khi đang tuần hành trên đường phố Hà Nội sáng thứ Sáu 2-12-2011, yêu cầu chính quyền trả lại các cơ sở cho Giáo xứ. File photo.
Ví dụ như thầy từng tiếp xúc với một người, họ nói : “Thầy ơi, họ cho con có 200 ngàn mà biểu con tới đó rồi nói xấu này kia nọ, thì bây giờ nếu mà tự nhiên mất có nửa tiếng đồng hồ mà con có 200 ngàn thì thôi chớ, mình chịu khó một chút có sao đâu”. Rồi sau đó họ tới xin lỗi thầy: “Thầy ơi hồi nãy con nói mà bây giờ có 200 ngàn để đi chơi này nọ, thôi thì thầy cũng  thông cảm cho con”.  Có, có những con người đó, họ tới họ (chửi mắng) xối xả lắm, xong rồi họ quay lại họ xin lỗi. Vấn đề ở đây là vì cái quyền lợi nhỏ thôi mà người cộng sản họ rất hay trong vấn đề đó, họ làm cho người dân này thèm khát đồng tiền ghê lắm, thèm khát những cái danh lợi nhỏ chút chút đó lắm. Ví dụ như họ có thể bỏ (tiền) ra làm cho cái gia đình đó tán gia bại sản, rồi họ cho chút chút đó rồi họ kêu người dân làm những chuyện này kia.

Ví dụ như chuyện tu viện Bát Nhã mà cô Khánh An có biết không? 

Khánh An: Dạ vâng.

Thầy Chơn Minh: Trong cái vụ đó thì những thành phần “quần chúng tự phát” toàn là gái điếm, dân giang hồ, xì ke ma túy, họ chở tới nguyên một xe, họ đổ xuống. Họ chở từ Sài Gòn hay ở đâu đó, họ chở tới gần chùa rồi đổ xuống. Họ bảo mỗi người khi vô rồi ra lấy được một món đồ nào đó của một ông thầy, một tăng thân hoặc một sư cô thì kể như được 200 ngàn. Có bằng chứng đàng hoàng thì sẽ được 200 ngàn. Đa số “quần chúng tự phát” toàn là người của họ một phần, rồi là những người do họ thuê mướn. Họ chỉ vì quyền lợi chút đỉnh thôi! Mà những người đó thuộc thành phần nào?  Những thành phần coi như bần cùng dưới xã hội rồi.

Còn như cái vụ ở nhà thờ Thái Hà vừa rồi có cái bà gì ở hội phụ nữ đó, đều là người của họ không, làm gì có quần chúng tự phát! Bản chất bên trong của nó thì những người trong nước họ hiểu rất rõ.

Gây mâu thuẫn

Khánh An: Vâng. Không biết có ai có ý kiến nào khác qua những điều mà mình chứng kiến không?

Hùng: Vâng. Chị cho em nói tiếp.

Khánh An: Vâng. Mời anh.

Một đám gọi là “quần chúng tự phát” xông vào nhà thờ Thái Hà để mà gây áp lực rồi là khủng bố, đánh đập các tu sĩ. Thực ra đấy toàn là người của họ thôi.

Bạn Hùng

Hùng: Vâng. Cái vấn đề mà chị Khánh An đề cập tới đó thì nó là một trong những hình thức mà hiện tại chính quyền đang dùng để đàn áp tôn giáo đó. Đó chính là việc lợi dụng để gây mâu thuẫn, chia rẽ các tôn giáo với nhau, giữa những người không theo đạo và những người theo đạo đấy ạ. Tức là lúc mà họ cần đàn áp tôn giáo này thì họ tôn cái tôn giáo kia lên, họ lợi dụng lực lượng của tôn giáo kia để có thể xỉ vả, nói xấu, hoặc là gây chia rẽ giữa các tôn giáo với nhau. Còn cái việc dùng “quần chúng tự phát” thì nếu những người không quan tâm thì họ có thể nghĩ là “ừ, cái tôn giáo đấy làm cái gì sai trái mà để dân tình họ bức xúc như thế”. Nhưng mà thực ra về bản chất thì đó không phải là quần chúng tự phát, mà em nghĩ nếu mà dùng chữ cho đúng thì em nghĩ đấy chỉ là “côn đồ” thôi, bởi vì thực ra là người của họ.

Em đơn cử cái vụ ngày 3-11-2011 vừa rồi, vào lúc 2 giờ 45 phút có một đám gọi là “quần chúng tự phát” xông vào nhà thờ Thái Hà để mà gây áp lực rồi là khủng bố, đánh đập các tu sĩ. Thực ra đấy toàn là người của họ thôi. Nhìn mặt trong số đấy em biết có người là an ninh, là công an. Đấy không phải là “quần chúng tự phát” mà thực ra đấy là người của họ. Họ bị lợi dụng hoặc vì quyền lợi, vì lợi ích, hoặc là vì cái này cái kia, hoặc bị áp lực mà phải đến và phá rối như thế. Còn đằng sau đấy họ được cái gì thì chắc là mọi người cũng ngầm hiểu thôi.

Khánh An: Vâng. Nãy giờ chúng ta cũng nghe khá nhiều câu chuyện về vấn đề “quần chúng tự phát”, bây giờ nếu mà nói ở mức độ vi mô hơn, mọi người có thấy rằng là nó có sự khác biệt giữa một người theo một tôn giáo và một người dân thường hay không ở trong những sinh hoạt bình thường trong xã hội?

Hiếu: Chắc chắn là có rồi. Bản thân em, em về quê em làm giấy chứng minh, em ghi vô mục tôn giáo là “Tin Lành” thì người công an làm giấy họ gây khó dễ, họ bắt em phải ghi là “không”. Thì thực  chất em cũng biết là khi mà vô đảng hay đoàn viên hay một cái gì đó của tổ chức chính quyền thì chắc chắn là phải ghi trên hồ sơ là “không” ở mục tôn giáo. Nếu ghi có một tôn giáo nào đó thì chắc chắn họ sẽ bác bỏ cái đơn đó. Một số anh chị từng là tín hữu Tin Lành khi làm một chức vị nào đó trong một công ty thuộc cơ chế nhà nước, nếu có gốc Tin Lành thì họ luôn luôn bị “đì” mặc dù họ có khả năng, có trình độ nhưng họ không thể nào thăng tiến được nếu như họ không từ bỏ cái lý lịch “Tin Lành” của mình.

giaoxuthaiha03nov2011250.jpg
Chiều ngày 03/11/201, lúc 14h30, một đám côn đồ đã kéo vào Nhà thờ Thái Hà phá phách, gây rối trật tự, uy hiếp Dòng tu. Photo courtesy of Giáo Xứ Thái Hà.
Khi mình mang danh một tổ chức tôn giáo mà đi cứu trợ thì chính quyền luôn luôn gây sự khó dễ. Cái chương trình “Mùa hè Xanh” hay gì đó, thì trước khi tin Chúa thì em cũng là một đoàn viên, nhưng mà khi em tin Chuá thì em không được ở trong hội đoàn đó nữa. Sau này khi qua bên Tin Lành, em có tham gia chương trình gọi là “Hướng đạo sinh”. Khi tụi em tập trung lại để dọn rác hay làm các công việc đại loại giống như là “Mùa hè xanh” mà em đã từng làm thì chính quyền kéo ra còn đông hơn cả bọn em để mà buộc tụi em phải giải tán, không được làm những điều đó mặc dù những điều đó trước đây em đã từng làm với danh nghĩa là “đoàn viên”, nhưng bây giờ với danh nghĩa “Hướng đạo sinh” của tổ chức Tin Lành thì họ không cho làm, mặc dù nó cũng giống nhau thôi.

Khi mình có phản ứng lại thì họ sẽ bắt mình với tội gọi là “chống người thì hành công vụ”  hay là họ sẵn sàng đánh đập mình và họ ra tay rất là tàn ác. Những trường hợp đó em gặp rất là nhiều và có một số bạn có thể bị đánh ngất xỉu. Những trường hợp như vậy tụi em rất bức xúc, không hiểu tại sao cũng là một hình thức, cũng một cách làm việc giống nhau, cũng một ý nghĩa giống nhau nhưng họ lại có sự phân biệt đối xử như vậy đó.

Tôn giáo có thể tồn tại?

Khánh An: Vâng. Qua những điều mà mọi người chia sẻ thì mình thấy một bức tranh rõ ràng hơn. Mình nêu ra những vấn đề như thế rồi thì mọi người có nghĩ rằng có cách thức nào đó để tôn giáo có thể tồn tại giữa lòng xã hội Việt Nam hay không?

Hiếu: Mình nghĩ giải pháp tốt nhất là có thể làm thay đổi đi cách suy nghĩ của các nhà lãnh đạo rằng tôn giáo thuần túy là thờ phượng đấng mà họ tin, chứ không muốn tranh chiếm hay cướp đoạt chính quyền hay làm chính trị gì. Chính quyền luôn luôn quy những tổ chức tôn giáo mà không thuộc quyền quản lý của họ là làm chính trị, âm mưu lật đổ chính quyền, hay thành lập quân đội gì đó. Họ luôn luôn có sự nghi ngờ đó.

Khánh An: Vâng.

Hùng: Thật ra em nghĩ bởi vì những khó khăn đối với các tôn giáo thì nó đến từ chính quyền (nên) em chỉ hy vọng rằng ở Việt Nam pháp luật được tôn trọng hơn. Chỉ khi nào pháp luật được tôn trọng thì mọi quyền tự do của người dân sẽ được tôn trọng thôi. Còn đề ra một giải pháp để thay đổi thì em nghĩ là nó quá sức của em.

Khánh An: Vâng. Bây giờ thì chắc là Khánh An mời thầy Chơn Minh, trước khi mình kết thúc câu chuyện ở đây.

Tôn giáo thuần túy là thờ phượng đấng mà họ tin, chứ không muốn tranh chiếm hay cướp đoạt chính quyền hay làm chính trị gì.

Bạn Hiếu

Thầy Chơn Minh: Vấn đề này thực sự ra tôi cũng biết là nó tế nhị lắm và nó nhạy cảm nữa. Câu trả lời rất khó cho các bạn. Đúng là cô Khánh An đặt một câu hỏi rất là “hóc búa” đó nghe, nhưng không sao! Vì sao? Vì đây là ước muốn của tất cả mọi người dân trong đất nước này chứ không riêng gì các tôn giáo đâu. Trong một quốc gia thì có ba cơ quan tách rời, đó là hành pháp, lập pháp và tư pháp, Nhưng ở đây chính quyền cộng sản họ bao trùm hết, thì bây giờ nếu như chính họ không  có thay đổi thì làm sao mà đất nước này thay đổi được?! Hỏi ra các bạn trẻ thì bạn nào cũng cảm thấy bức xúc trong cuộc sống của mình hết, nhưng mà để giải quyết thì trong lòng ai cũng suy nghĩ một câu là “ước gì cái chế độ này không còn nữa để mình được tự do sống, được tự do làm việc, tự do làm cái gì mà mình cảm thấy là đúng”.

Đó là một ước muốn lớn lao mà không ai dám nói, nhưng mà ai cũng nghĩ đó là “thay đổi thể chế”. Cái đó là cái ước muốn duy nhất, bởi vì ai cũng biết nguyên nhân của mọi vấn đề mà từ nãy giờ mình bàn luận đó, thì tất cả đều do cái tư tưởng và chính sách của đảng cộng sản mà ra cả. Và thay đổi là thay đổi từ đảng cộng sản chứ không thể nào mà thay đổi từ cá nhân của người này, hay từ của ông thủ tướng hay của ông chủ tịch nước, hay của ông tổng bí thư, mà thay đổi là thay đổi từ trong cái tư tưởng của đảng mà ra. Nếu như tư tưởng của đảng không thay đổi thì chỉ có nước thay đổi cái thể chế chính trị này. Thầy thay mặt các bạn trẻ ở trên đất nước này nói lên cái tâm sự đó, là “muốn” nhưng mà không dám nói và cũng không bao giờ dám nghĩ rằng mình phải đóng góp cho sự thay đổi đó vì mở miệng ra ngày hôm nay thì ngày mai sẽ bị biết đâu nó sẽ làm khó dễ mình trong việc học tập, lao động, cũng như công việc làm ăn của mình. Đó là cái mà mọi người rất bức xúc.

Khánh An: Dạ vâng. Khánh An cảm ơn thầy Chơn Minh đã dám chia sẻ những điều mà rất nhiều người khác, giống như thấy nói, là “không dám nói”. Nhưng mà đây cũng chỉ là một trong những ý kiến phải không? Có rất nhiều người, người dân Việt Nam tám mươi mấy triệu người là có tám mươi mấy triệu ý kiến khác nhau, chính bởi thế nên câu chuyện về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam thì nó cũng sẽ có rất nhiều khía cạnh để chúng ta có thể nói đến, có thể bàn tới. Tùy theo góc độ mỗi người đứng nhìn thì có thể cảm nhận được cái hiện trạng về tự do tôn giáo ở Việt Nam và cái quan điểm của họ cũng chịu ảnh hưởng bởi cái góc nhìn và góc đứng của họ. Chính vì thế mà những điều mà chúng ta vừa mới bàn thảo tới thì cũng chỉ là một vài góc nhìn từ một số người từ nhiều tôn giáo khác nhau, thế thôi.

Khánh An cảm ơn mọi người rất nhiều đã tham gia vào chương trình Café Wifi.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.