Giáo xứ Thái Hà mong có kênh đối thoại với nhà nước

Liên quan đến vụ việc của giáo xứ Thái Hà, vào ngày 10/11, linh mục đại diện của giáo xứ và Bệnh viện Đống Đa đã có buổi làm việc với nhau, dưới sự chứng kiến của Văn phòng luật sư AIC.
Khánh An, phóng viên RFA
2011.11.15
000_Del281122-305.jpg Giáo dân xứ Thái Hà thắp nến cầu nguyện
AFP photo

Tại buổi làm việc, phía giáo xứ Thái Hà đã đề nghị bệnh viện Đống Đa cung cấp hồ sơ và giải thích về thiết kế Trạm xử lý nước thải trước khi tiến hành xây dựng để các linh mục và giáo dân Thái Hà nắm rõ, đồng thời không sử dụng nhà nguyện nằm trong khuôn viên bệnh viện cho các hoạt động vui chơi giải trí. Phía bệnh viện Đống Đa cũng bày tỏ mong muốn hợp tác tích cực để giải quyết các bất đồng giữa hai bên.

Chưa có tiếng nói chung

Khánh An phỏng vấn Linh mục Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ giáo xứ Thái Hà, về buổi làm việc trên cùng với những thông tin cập nhật về tình hình tại giáo xứ. LM. Nguyễn Văn Phượng cho biết:

Hai bên cũng đang (thảo luận) về vấn đề xử lý nước thải. Chúng tôi luôn khẳng định quyền chủ sở hữu của tu viện. Hiện hai bên vẫn chưa có được tiếng nói chung.

Khánh An: Thưa linh mục, một buổi làm việc như thế, cùng với vai trò trung gian của văn phòng luật và các thông tin đưa lên có thể có tác động tốt đến tình hình sắp tới trong việc trao đổi thông tin giữa nhà thờ và các cơ quan chức năng của nhà nước không?

LM. Nguyễn Văn Phượng: Vâng. Nếu tất cả chúng ta đều tôn trọng luật pháp, tôn trọng sự thật và công lý thì giữa nhà thờ với chính phủ sẽ có được tiếng nói chung. Còn nếu không có được tiếng nói chung thì một bên có thể cho mình có quyền làm thế này thế kia, một bên thì khẳng định mình là chủ sở hữu thì không thể gặp nhau được.

Cho nên cần phải dựa trên luật pháp, công lý và sự thật. Nếu tất cả mọi người tôn trọng được chuyện đó đầu tiên, chúng tôi nghĩ trong tương lai sẽ có những điểm tốt hơn cho vấn đề an dân, nhà nước cũng an bình hơn, người dân, nhất là giáo dân ít bức xúc hơn. Không ai có thể phủ nhận đấy (bệnh viện Đống Đa) không phải là nhà thờ, là tu viện. Giáo dân hết sức bức xúc. Khi thấy nhà nguyện của mình bị sử dụng trong chuyện nhảy đầm thì giáo dân không thể nào chịu đựng được.

Hai bên cũng đang (thảo luận) về vấn đề xử lý nước thải. Chúng tôi luôn khẳng định quyền chủ sở hữu của tu viện. Hiện hai bên vẫn chưa có được tiếng nói chung.
LM. Nguyễn Văn Phượng


Thiết nghĩ, với tư cách là một người dân, một linh mục, một giáo dân ở trong một đất nước, chúng tôi sẽ luôn luôn nói lên nguyện vọng của mình và làm hết sức để nói lên nguyện vọng chân chính của mình. Còn về phía chính phủ có lắng nghe tiếng nói của người dân hay không, có thấy sự hợp lý của chuyện trao lại tu viện hay không thì đấy là còn ở phía các vị chính quyền. Nếu chúng ta có được những đối thoại, có sự tôn trọng cần thiết thì tôi nghĩ không có vấn đề lớn xảy ra như bây giờ.

Khánh An: So sánh sự kiện lần này với sự kiện xảy ra vài năm trước cũng với giáo xứ Thái Hà, tình hình bây giờ và trước đây, thái độ cùng với những động thái của chính phủ có gì khác hơn không ạ?

LM. Nguyễn Văn Phượng: Tôi thấy với những rục rịch như là loa đài, truyền thông lề phải, côn đồ vào nhà thờ chúng tôi thì tôi nghĩ về bản chất chưa có gì là khác mấy đâu. Nhưng tôi không biết đây là những công việc của cấp dưới làm hay do cấp trên chỉ đạo. Tôi nghĩ các vị lãnh đạo cấp trên thì không có những chỉ đạo như vậy. Nếu các vị lãnh đạo cấp trên thấy được nhu cầu chính đáng bởi vì chúng tôi ở nhà thờ chỉ nói lên sự thật, chân lý, không có bất cứ một âm mưu gì khác. Có lẽ là hai bên chưa hiểu nhau, chưa có nhiều cuộc đối thoại để hiểu cho đúng bản chất của sự việc, con người. Tôi nghĩ là chắc có hiểu lầm nhiều chuyện khác nữa.

Yêu cầu được trả lại tu viện

Khánh An: Sau buổi làm việc thì có những đề xuất gì không, thưa linh mục?

nuvuongcongly-2-250.jpg
Tu viện giáo xứ Thái Hà bị chiếm dụng làm bệnh viện. Photo courtesy of nuvuongcongly
Tu viện giáo xứ Thái Hà bị chiếm dụng làm bệnh viện. Photo courtesy of nuvuongcongly
LM. Nguyễn Văn Phượng: Phía chúng tôi luôn luôn có đề xuất khẳng định chủ quyền tu viện là của nhà dòng. Từ trước tới giờ trong các lá đơn, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền chuyển bệnh viện đi một nơi khác bởi vì bệnh viện bây giờ không phải là xây dựng để làm bệnh viện. Mà tòa nhà tu viện của chúng tôi được xây dựng để làm tu viện, trong đó có nhà nguyện, có các phòng ở của các tu sĩ, linh mục, thì không thể phù hợp với một bệnh viện được. Cho nên trong tất cả các lá đơn gửi các cấp lãnh đạo của chính quyền, chúng tôi cũng đề nghị các vị cứu xét chuyển bệnh viện, nhà nước thì không thiếu đất đai để chuyển, có thể trao trả lại cho chúng tôi vì đấy là tu viện đã ăn sâu vào lòng người giáo dân khắp miền Bắc vì Thái Hà là một trung tâm hành hương Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Bà con giáo dân khắp miền Bắc trở về, không ai đến đó mà không xác tín bệnh viện Đống Đa bây giờ là tu viện của nhà dòng, chứ không phải là bệnh viện. Chắc chắn nếu đi sâu tìm hiểu thì hỏi nhà nước đã xây tòa nhà đó từ bao giờ? Bệnh viện có bản thiết kế gì về tòa nhà hiện hữu bây giờ thì chắc chắn là không có, bởi vì đấy là tu viện chúng tôi xây từ năm 1931 tới bây giờ.

Khánh An: Được biết là Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã có một dự án xây dựng trên phần đất mà hiện nay đang sử dụng để làm bệnh viện Đống Đa. Dự án này đã trình lên chính phủ rồi phải không? Không biết việc giải quyết đã đi đến đâu?

LM. Nguyễn Văn Phượng: Vâng. Chúng tôi đã gửi dự án của chúng tôi lên cho các cấp chính quyền nhưng cả đơn kiến nghị, cả dự án, chúng tôi đều chưa nhận được phúc đáp từ phía chính quyền.

Thiết nghĩ, với tư cách là một người dân, một linh mục, một giáo dân ở trong một đất nước, chúng tôi sẽ luôn luôn nói lên nguyện vọng của mình và làm hết sức để nói lên nguyện vọng chân chính của mình.

LM. Nguyễn Văn Phượng

Trong thực tế, ngày thứ Bảy và Chủ Nhật (ở giáo xứ Thái Hà) là có 8 thánh lễ. Thánh lễ nào trong khuôn viên hơn 1.000 m2 nhà thờ và sân rất chật chội, con số (giáo dân tham dự thánh lễ) lên đến 20.000 người mỗi thứ Bảy, Chủ Nhật như vậy thì rất chật chội và nguy hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn. Cho nên chúng tôi thấy được cái thực tế và tu viện đang là sở hữu của chúng tôi thì chúng tôi yêu cầu nhà nước giải quyết trả lại tu viện cho chúng tôi để phục vụ cho vấn đề tôn giáo, cho đồng bào tôn giáo đến trung tâm hành hương tại Thái Hà được tốt hơn về giao thông, hỏa hoạn, như vậy sẽ rất tốt cho nhà nước cũng như nhà thờ.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn linh mục Nguyễn Văn Phượng, đại diện của giáo xứ Thái Hà, đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do.
Được biết, bệnh viện Đống Đa cũng đã đồng ý mở kênh đối thoại trực tiếp với nhà thờ Thái Hà. Tuy nhiên, về vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến nguồn gốc đất đai của giáo xứ Thái Hà cũng như đề xuất của Văn phòng luật sư AIC về việc thành lập trung tâm điều dưỡng dành cho các nhà tu hành, linh mục và giáo dân Thái Hà thì bệnh viện Đống Đa không có đủ thẩm quyền để quyết định. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật những tin tức liên quan trong các chương trình phát thanh sau.

Video: Giáo dân Thái Hà đòi lại tu viện

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
17/11/2011 03:13

Sự tranh chấp giữa chính quyền và Tôn giáo tại VN sẽ ngày càng lớn hơn, sâu rộng hơn, và nhiều nơi hơn. Lý do là chính quyền không có chính sách hoàn trả lại những gì đã mượn. Chẳng khác nào là cướp đoạt, ức hiếp, và đối xử bất công, bất pháp. Đảng gieo gió phi lý sẽ gặt cuồng phong rối loạn trong xã hội làm lợi cho giặc cướp nước.

Anonymous
16/11/2011 00:48

Cha Phượng nói..."Nếu các vị lãnh đạo cấp trên thấy được nhu cầu chính đáng bởi vì chúng tôi ở nhà thờ chỉ nói lên sự thật, chân lý, không có bất cứ một âm mưu gì khác. Có lẽ là hai bên chưa hiểu nhau, chưa có nhiều cuộc đối thoại để hiểu cho đúng bản chất của sự việc, con người. Tôi nghĩ là chắc có hiểu lầm nhiều chuyện khác nữa."

Cha Phượng vẫn còn tin là có thể đối thoại được ru?

Không phải là hiểu nhầm hay gì hết, mà cán bộ nhà nước cố tình không hiểu, họ cố tình chiếm mảnh đất của DCCT, còn các cha thì lại muốn "đòi lại" cái gì nhà nước đã mượn?
Chỉ có thể giải quyết bằng luật pháp thôi, đối thoại chỉ là sự cù nhầy thêm bực mình, để lâu phân trâu hoá bùn!