Katrina, 5 năm nhìn lại (Phần 2)

Trong bài trước quý thính giả đã nghe những hồi tưởng của người Việt tại Louisiana và Houston về cơn bão Katrina cách đây 5 năm.

Xin mời quí vị nghe tiếp phần 2 của bài phóng sự từ Houston của Hiền Vy về các nạn nhân thiên tai sau 5 năm xây dựng cuộc sống mới.

Người về, kẻ ở lại

Sau thời gian tránh bão, nạn nhân Katrina có người trở về New Orleans để xây dựng lại cuộc sống, có người chọn ở lại Houston. Bác sĩ Mùi Quý Bồng cho biết lý do ông không trở lại chốn cũ:

"Chúng tôi quyết định không trở về New Orleans vì không còn một cái gì để trở về nữa. Việc chúng tôi làm lại từ đầu dĩ nhiên là cũng rất khó khăn vì nguyên cả một sự nghiệp tài sản mình đã gây dựng từ bao nhiêu năm nay đã tan nát hết nên làm lại cuộc đời cũng không phải là dễ dàng."

Còn ông Phan Xuân Hy thì ở lại Houston vì lý do sức khỏe:

Tại vì thương cộng đồng ở đây và như bố mẹ tôi đã nói là sống ở đâu thì quen ở đó, bố mẹ tôi ở ngay Versailles, chị em tôi cũng ở quanh đây.

Cô Cindy Nguyễn

"Tôi chạy bão về đây, rồi tôi đau, tôi không thể trở về lại được nữa, rồi tôi được BPSOS của ông Nguyễn Đình Thắng giúp đỡ tôi, nâng đỡ tôi rất nhiều, kiếm nhà cho tôi ở. Cho tới bây giờ cũng vẫn giúp đỡ tôi và tôi cũng được ổn định rồi"

Cô Cindy Nguyễn là một trong số những người quay về lại New Orleans, mặc dù vợ chồng cô có cơ hội tốt để ở lại lập nghiệp tại Houston. Cô chia sẻ động cơ khiến cô trở về:

"Tại vì thương cộng đồng ở đây và như bố mẹ tôi đã nói là sống ở đâu thì quen ở đó, bố mẹ tôi ở ngay Versailles, chị em tôi cũng ở quanh đây. Tôi cũng có một văn phòng để giúp người Việt Nam ở đây, tôi không thể bỏ văn phòng đi vì như vậy người Việt Nam ở đây sẽ không có người giúp."

Chưa hoàn toàn hồi phục

Và cô cũng nói rằng hiện nay tình trạng tại New Orleans vẫn chưa hoàn toàn hồi phục:

"Chưa! chưa! Thật ra ở đây, nhà thương lớn nhất ở đây là nhà thương Methodist thì từ hồi Bão tới giờ chưa được sửa lại. Những chợ Mỹ cũng chưa mở hẳn lại, chỉ có một chợ Mỹ để mua thức ăn thôi, còn khu vực Việt Nam thì chợ đã mở lại rồi."

vn-community-in-la-250.jpg
Một phiên chợ của cộng đồng người Việt tại bang Louisiana. Photo courtesy of avillagecalledversailles.com.

Ông Trần Cao Toàn cho biết thêm:

"Cũng có nhiều yếu tố, bà con Việt Nam dù đã trải qua bao sóng gió, chiến tranh, chạy loạn cũng bao nhiêu đợt rồi nên dày dạn và kiên trường lắm nhưng công việc cũng như sinh hoạt chung quanh thì vẫn chưa có.

Điển hình là trường học cũng như là những phục vụ của cộng đồng thì chính phủ địa phương cũng như thành phố chưa thiết lập cho ổn định. Trường học là một trong những thiếu sót, rồi vấn đề y tế thì các nhà thương vẫn chưa mở lại được."

Trong khi đó, ông Quan Dương thì lại cho rằng:

"Cuộc sống của tôi là không có sự bắt đầu trở lại mà là sự tiếp tục trôi đi. Không biết tôi có lạc quan không mà thật sự ra dưới mắt tôi thì tôi thấy đã (bình thường) trở lại. Nhà cửa có vẻ đẹp hơn bởi vì sau bão mình sửa lại nên nó đẹp hơn rồi đồ đạc thì mới hơn vì đồ cũ trôi hết rồi nên mua đồ mới nên trong nhà nhìn đẹp hơn."

Trong cái xui có cái may

Nói về sinh hoạt cộng đồng của người Mỹ gốc Việt tại New Orleans, cô Cindy Nguyễn chia sẻ:

"Hồi trước (trước khi bão Katrina tới) khi mà nói về việc thiện nguyện thì khó lắm nhưng từ sau Katrina tới giờ người Việt Nam hợp cùng với nhau để kêu gọi chính phủ liên bang, tiểu bang, thành phố để make sure (bảo đảm) là người Việt Nam cũng hưởng được tất cả những quyền lợi mà chính phủ cho. Nhiều văn phòng từ thiện của người Việt Nam thành lập để giúp người đồng hương trên nhiều phương diện như xã hội, thương mại ..."

Cộng đồng Việt Nam sau này cách làm việc có đổi khác, tiến bộ nhiều hơn trước khi có bão Katrina xảy ra. Cộng đồng liên kết với nhau nhiều hơn để làm việc chung.

Cô Cindy Nguyễn

Ông Toàn thì nói lên lòng tương trợ của đồng hương cùng nhau xây dựng lại cuộc sống:

"Nét son của người Việt Nam là đùm bọc lẫn nhau cũng như là chỉ dẫn cho nhau. Cộng đồng Công giáo cũng là một trong những điểm son, rất là tốt cho sự phục hồi của Cộng đồng người Việt ở đây. Có những cơ quan, những nhóm của người Việt tương trợ lẫn nhau, giúp đỡ cho nhau và họ tiến thân rất là nhanh và trở lại bình phục nhanh tuy nhiên sự thiếu thốn là tình trạng chung của cả thành phố nhưng bây giờ thì cuộc sống khá ổn."

Năm năm đã qua, sự thiệt hại kinh hoàng do bão Katrina gây ra đã làm cho nhiều người rùng mình khi nhắc đến nhưng có lẽ với không ít người Việt thì câu nói "trong cái xui có cái may" hẳn là không sai vì từ cơn bão dữ đó, đã có những thay đổi trong cách sống của người Việt hải ngoại:

"Em rất là mừng, vì hồi trước mỗi lần kêu gọi đi đòi quyền lợi gì đó thì rất là khó, mà sau Katrina thì như là khích động nhiều người để ý đến chuyện xã hội mà ảnh hưởng đến đời sống ở đây. Người Việt Nam tham gia nhiều hơn vào những chuyện xã hội để cải thiện đời sống thoải mái hơn."

Nghĩ lại thì thấy một phần là mệt, một phần thì thoải mái. Cộng đồng Việt Nam sau này cách làm việc có đổi khác, tiến bộ nhiều hơn trước khi có bão Katrina xảy ra. Cộng đồng liên kết với nhau nhiều hơn để làm việc chung.

poster-katrina-200.jpg
Poster quảng cáo lễ tưởng niệm 5 năm sau cơn bão Katrina của Cơ Quan Phát Triển Cộng Đồng Mary Queen Việt Nam

Và câu chuyện tranh đấu cho quyền lợi của người Mỹ gốc Việt tại làng Versailles, cách trung tâm New Oleans khoảng 10 dặm đường, sau trận bão Katrina cũng đã được làm thành phim "A Village Called Versailles" chiếu trên hệ thống truyền hình Mỹ mà linh mục Nguyễn Thế Viễn đã bình luận trong ngày phim chiếu ra mắt tại đại học Rice ở Houston như sau:

“Trận bão Katrina, chúng tôi ở vùng đông ngạn sông Mississippi, đó là một trong những chỗ bị đánh nặng nhất. Vấn đề đầu tiên là việc phục hồi sau khi bị bão.

Chuyện phục hồi thì đối với người Việt không phải là chuyện lớn bởi vì chúng tôi đã phục hồi bao nhiêu lần rồi. Mỗi lần di cư, mỗi lần di tản vì chiến tranh rồi trở về xây dựng lại. Đó là kinh nghiệm mà người lớn tuổi của chúng tôi trải qua rất nhiều nên đó không phải là chuyện lớn.

Chuyện lớn là khi chúng tôi gặp vấn đề là Thành phố, tiểu bang và liên bang quyết định mở một bãi rác tại ngay cạnh làng chúng tôi, cách khoảng 1 dặm 2. Tầm mức cỡ chừng 100 mẫu Mỹ, tức là khoảng 6 triệu 3 mét khối rác. Họ định mang đến đổ ở đó và chúng tôi phải đứng ra để chống. Và sau 6 tháng tranh đấu, chúng tôi đã thành công…”

Cơn bão Katrina cũng đã chứng minh là người Việt tị nạn sẵn sàng cưu mang nhau trong cơn hoạn nạn và làm cho cộng đồng Việt Nam đoàn kết hơn. Trong một khía cạnh rất tích cực, cơn bão Katrina đã làm nhiều người Mỹ gốc Việt nhận ra sự quan trọng về mặt chính trị và giới trẻ bắt đầu tham gia vào các sinh hoạt chính trị dòng chính để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, mà trường hợp điển hình nhất là sự đắc cử của Luật sư Cao Quang Ánh vào quốc hội Hoa Kỳ năm 2008 và, trở thành dân biểu người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ.

Theo dòng thời sự: